Một Cương lĩnh xây dựng xã hội mang bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn
Chính trị - Ngày đăng : 06:38, 24/02/2018
1. Dựa trên nguyên lý về tiến trình phát triển lịch sử - tự nhiên của nhân loại và cách mạng hóa quan hệ sản xuất, cách mạng hóa toàn bộ những quan hệ xã hội, C.Mác đã chỉ ra rằng, trước hết giai cấp công nhân phải lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc. Bước thứ hai, giai cấp công nhân và nhân dân lao động sử dụng chính quyền như một công cụ có hiệu lực nhất để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất để đạt mục tiêu xuyên suốt và cuối cùng là “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Xã hội mới mà C.Mác nói tới chính là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mà sứ mệnh xây dựng thuộc về giai cấp vô sản. Muốn vậy, giai cấp vô sản phải thành lập Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai cấp công nhân và Đảng phải thực hiện khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại!”.
Tuyên ngôn được hình thành trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, tiếp tục được bổ sung, phát triển trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc, từ đó hình thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ chủ nghĩa Mác đến chủ nghĩa Mác - Lênin là một bước phát triển về tư duy lý luận, dẫn đến thực tiễn thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917. Tuyên ngôn được các học trò của C.Mác vận dụng và phát triển sáng tạo trong suốt một thế kỷ qua từ Cách mạng Tháng Mười và được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn.
Hồ Chí Minh cho rằng: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa C.Mác”. Người đã quyết định đưa cách mạng Việt Nam theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam 88 năm qua thực hiện sự nghiệp giải phóng, phát triển và đổi mới trên nền tảng của Tuyên ngôn và chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong hoàn cảnh của Châu Âu từ giữa thế kỷ XIX, nơi vấn đề dân tộc coi như được giải quyết xong, thì vấn đề còn lại là đấu tranh giai cấp để đi đến giải phóng con người. Trong mối quan hệ: “Dân tộc - Giai cấp - Con người”, C.Mác đặt lên hàng đầu vấn đề giải phóng giai cấp, coi đó là tiền đề để giải phóng dân tộc. Tuyên ngôn cho rằng khi sự đối kháng giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc đồng thời cũng mất đi.
2. Từ khi bị thực dân Pháp thống trị, Việt Nam là một nước thuộc địa mất độc lập, dân nô lệ, mâu thuẫn dân tộc nổi lên hàng đầu, vừa cơ bản vừa chủ yếu. Trong khi nhiều nơi nhận thức máy móc, giáo điều (ra khẩu hiệu “giai cấp đấu tranh” mà không xét rõ hoàn cảnh nước mình thế nào để làm cho đúng), thì Hồ Chí Minh đã sáng suốt và thực tiễn tránh được sai lầm này. Người đặt lên hàng đầu mục tiêu giải phóng dân tộc, vì nếu dân tộc không được giải phóng thì quyền lợi giai cấp, bộ phận đến vạn năm cũng không đòi lại được. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là minh chứng hùng hồn cho sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Tuyên ngôn.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, không làm như Liên Xô, Hồ Chí Minh đã quyết định xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, làm tiền đề về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội để dần dần đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Con đường phát triển rút ngắn bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đã được thực tiễn Việt Nam kiểm chứng đúng đắn, cho thấy Hồ Chí Minh vận dụng Tuyên ngôn và chủ nghĩa Mác - Lênin tài tình, sáng tạo. Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội không bắt đầu từ một cuộc cách mạng - đảo lộn chính trị như ở Nga năm 1917, nhưng vẫn bảo đảm được mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh khẳng định tính tất yếu của chủ nghĩa cộng sản trong Tuyên ngôn, nhưng không trung thành trên câu chữ mà theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Người nắm chắc tinh thần, lập trường, quan điểm và đặc biệt là phương pháp biện chứng của C.Mác để đi con đường khác từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội; từ khát vọng giải phóng dân tộc đến khát vọng giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Bổ sung chủ nghĩa Mác, có chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản vô cùng to lớn và quý giá. Đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản qua trí tuệ và bản lĩnh Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Năm 2017, cùng với sự ổn định về chính trị - xã hội, chúng ta đạt nhiều thành tựu đáng kể về kinh tế. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,81%, quy mô nền kinh tế vượt 220 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD... Bài học hàng đầu của những thành tựu đó là trong quá trình đổi mới, chúng ta đã chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Từ tinh thần của Tuyên ngôn, nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng “không có tương lai nếu không có C.Mác, nếu không có các di sản của C.Mác; cần phải trở về với C.Mác” như triết gia tư sản phương Tây Gi.Đêriđa đã viết trong cuốn Những bóng ma của Mác. “Trở về với C.Mác” theo đúng tinh thần của C.Mác: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển chứ không phải là giáo điều”. Chúng ta tin tưởng bằng trí tuệ, bản lĩnh của dân tộc và con người Việt Nam, thực tiễn đổi mới ở nước ta sẽ góp phần làm giàu và đem lại sức sống mới cho Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.