Hoàn thiện thể chế gắn với thi hành pháp luật

Chính trị - Ngày đăng : 07:45, 24/02/2018

(HNM) - Thực hiện chủ trương xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả”, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm rất cao trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam



Cải cách vì người dân, doanh nghiệp

Chỉ cần một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, thiếu cụ thể sẽ làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho cán bộ thi hành công vụ cố tình gây khó khăn để trục lợi. Từ nhận thức như vậy, năm 2017, Bộ Tư pháp đã rà soát, tháo gỡ vướng mắc, bất cập của các quy định về môi trường đầu tư, kinh doanh, chính sách an sinh xã hội của các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, trọng tâm là thẩm định 240 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật với nhiều đề xuất quản lý thân thiện hơn với doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thẩm định chùm nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành. Từ ý kiến của Bộ Tư pháp, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Xây dựng… đã chủ động rà soát, lên kế hoạch cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cũng trong năm qua, Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ trong 4 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài tại Hội đồng Trọng tài quốc tế, trong đó 2 vụ đã giành thắng lợi. Qua xử lý các vụ việc này đã truyền đi thông điệp của Việt Nam, luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, nhưng cũng không chấp nhận các đòi hỏi, yêu cầu hay khiếu kiện vô căn cứ.

Năm 2017 cũng là năm tạo nhiều dấu ấn mạnh mẽ khi Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan về việc xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh. Nhiều cuộc họp với những bộ còn xung đột về quan điểm hoặc có ý kiến khác nhau được tổ chức, tránh tình trạng văn bản “đẩy đi đẩy lại” giữa các bên. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Đặc biệt là chấm dứt nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với những thành công trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, ngành Tư pháp với vai trò “gác cổng” pháp luật đang từng bước mạnh lên như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2017.

Ưu tiên hoàn thiện thể chế

Nhận định năm 2018, bên cạnh thuận lợi, ngành Tư pháp sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực, lạm dụng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2; việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp còn sai sót; một số lĩnh vực đăng ký kinh doanh, nhiều thủ tục rườm rà đã được cắt bỏ nhưng chưa triệt để... Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ngành đã đề ra các giải pháp nhằm chủ động hơn nữa trong phản ứng chính sách, lấp những “lỗ hổng” cơ chế.

Các nhóm công tác trọng tâm đang được ngành tập trung triển khai quyết liệt là: Tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, 2019, trọng tâm là các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5, Trung ương 6 (khóa XII) và các chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp...

Song song với đó là thực hiện tốt công tác thẩm định, xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương; chuẩn bị tốt công tác đánh giá tình hình triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 để xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ sáu.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, triệt để…, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng chính sách của dự án luật về tổ chức thi hành pháp luật, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các tranh chấp đầu tư quốc tế, nhất là trong quản lý nhà nước về đầu tư và giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh hợp tác quốc tế của bộ, ngành trên cơ sở triển khai thực hiện Đề án Định hướng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2017-2021, chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và các nước ASEAN; chuyển từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình” thể chế pháp lý đa phương mà Việt Nam là thành viên.

Hà Phong