Trả lời câu hỏi cuộc sống đặt ra
Văn hóa - Ngày đăng : 07:38, 25/02/2018
- Là người được tín nhiệm mời đọc thẩm định các tác phẩm vào chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017, ông có thể chia sẻ đôi điều về giải thưởng kỳ này?
- Hội đồng chấm giải đã cố gắng để bảo đảm tính chính xác và khách quan, mời thêm các nhà văn có uy tín cùng Ban chung khảo đọc thẩm định. Trước khi xét giải, Hội đồng chung khảo còn có phiên họp mở rộng, mời 4 chủ tịch của 4 hội đồng trình bày để bảo vệ những tác phẩm mà hội đồng mình đề xuất. Rõ ràng, Ban Chấp hành nhiệm kỳ này rất có ý thức nâng cao chất lượng giải thưởng văn chương.
Nhưng chúng ta phải thừa nhận một điều, mong muốn là một chuyện, việc nâng được chất lượng giải thưởng hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Muốn nâng cao chất lượng giải thưởng thì phải có nhiều tác phẩm chất lượng. Thực tế là chất lượng tài năng hiện nay, đôi lúc, đôi chỗ có lẽ không bằng trước. Có những sách "đẻ" ra nhưng không có người đọc, hoặc xuất hiện những cuộc tranh luận không biểu hiện phẩm chất trí tuệ, kiểu "cãi vặt". Tôi nghĩ về lâu dài, để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội và có được những tác phẩm xuất sắc, sinh hoạt Hội Nhà văn Việt Nam nên chia theo 2 cấp: Phong trào và hàn lâm. Bởi khi định trao đổi văn hóa, văn chương giữa các nước, chúng ta phải chọn đỉnh. Một chương trình biểu diễn của 400 diễn viên có khi không bằng một màn diễn solo của nghệ sĩ tài năng...
- Là một nhà thơ, ông nghĩ gì về việc chúng ta không trao được Giải thưởng thơ kỳ này?
- Có một chút buồn. Chúng ta đang trong giai đoạn có các nhà thơ lớn tuổi, giàu kinh nghiệm sống, hiểu đời, nhưng bút pháp cũ nên khó tìm hình thức thể hiện trực tiếp, "dí điện" vào trái tim người đọc. Còn các nhà thơ trẻ, bút pháp mới mẻ nhưng nhiều khi chưa đủ chiêm nghiệm với cuộc đời...
Tôi hy vọng nhiều ở lớp trẻ bởi họ có nhiều cách nói mới mẻ. Nếu họ phát huy được cái mới ấy, khắc phục được chuyện nghèo ý thơ thì chúng ta đã có giải dành cho thơ rồi. Thực ra đã có tác giả thơ được đề nghị tặng giải ở vòng chung khảo, tôi đánh giá là tặng giải thì hơi non, nhưng cũng không phản đối nếu trao giải. Rốt cuộc, Ban Giám khảo không trao giải thơ nên tôi không muốn nêu tên tác giả này, nhưng tôi cho rằng với một tác giả có tiềm năng như vậy, trước sau người này cũng sẽ được nhận giải.
- Vậy, với văn xuôi thì sao, thưa ông?
- Tôi rất thích cuốn "6 ngày" của tác giả Tô Hải Vân, chỉ qua câu chuyện 6 ngày của nhân vật chính mà nêu lên được toàn vẹn tính cách thanh niên thời nay, cả ưu, nhược điểm. Cuốn sách cũng có cách thể hiện rất thú vị, mới mẻ, bút pháp lạ. Có lẽ vì Hội Nhà văn Hà Nội đã trao giải cho cuốn này rồi nên Hội Nhà văn Việt Nam không tặng giải thưởng chăng? Thêm nữa, cũng có ý kiến cho rằng cuốn này chịu ảnh hưởng kết cấu tiểu thuyết của một tác giả nước ngoài. Cá nhân tôi nghĩ, nếu trao giải thưởng văn xuôi cho “6 ngày" thì cũng xứng đáng!
- Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng văn học dịch cho tác phẩm "Khổ vì trí tuệ" - kịch thơ của Aleksandr Griboedov. Ông nhận xét gì về điều này?
- Tôi không nghĩ bản dịch "Khổ vì trí tuệ" của nhà văn Lê Đức Mẫn là bản dịch hay nhất năm 2017. Tôi kính trọng những cống hiến của dịch giả này, nhưng tôi nghĩ giải thưởng dành cho anh không nằm trực tiếp ở tác phẩm dịch này. Trong dịch thuật, nếu thông qua việc dịch mà "nhập cảng" vào Việt Nam một khuynh hướng văn học, một cách nhìn thì sẽ tạo tác động rất tích cực. Một tác phẩm dù hay nhưng không tác động nhiều vào tâm lý xã hội ngày hôm nay thì hiệu quả không cao.
- Nói cách khác, giải thưởng văn chương cần bám sát đời sống xã hội, thưa ông?
- Tôi đánh giá đây là yêu cầu số 1. Để nâng cao chất lượng tác phẩm, tác giả phải trả lời được những câu hỏi cuộc đời hôm nay đặt ra. Nhà văn, nhà thơ là thư ký thời đại, phải góp phần giải quyết các vấn đề của ngày hôm nay. Chúng ta phải thời sự hóa những đề tài vĩnh cửu, đồng thời vĩnh cửu hóa đề tài thời sự. Ví như hình tượng Mẹ Suốt - rất thời sự ở một thời điểm, nhưng đã được vĩnh cửu hóa qua thơ. Hay như đề tài tình yêu - một đề tài vĩnh cửu nhưng luôn được thời sự hóa ở từng giai đoạn, mang hơi thở cuộc sống.
- Trân trọng cảm ơn nhà thơ!