Bước đệm trở thành trung tâm sáng tạo văn hóa Thủ đô
Sách - Ngày đăng : 07:43, 25/02/2018
Một gian hàng tại Phố sách Xuân Mậu Tuất 2018. |
Bà Trần Thị Nga - Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông văn hóa Con Sóc - đại diện Trung tâm Bản quyền Con Sóc:
Kết nối các nhà xuất bản quốc tế hàng đầu với Việt Nam
Chúng tôi tham gia tổ chức sự kiện "Sách Đức - Nhật Bản" - giới thiệu bản quyền sách văn học, thiếu nhi, kinh doanh, sức khỏe tại Phố sách Xuân Mậu Tuất năm 2018. Trong khuôn khổ sự kiện, chúng tôi giới thiệu đến độc giả, các đơn vị xuất bản hàng đầu của Việt Nam những cuốn sách mới từ các nhà xuất bản nổi tiếng hàng đầu của Đức và Nhật Bản - hai quốc gia tiêu biểu về phát triển ngành Xuất bản của Châu Âu và Châu Á. Qua đây, chúng tôi cũng muốn các đơn vị trong nước cập nhật với xu hướng phát triển của ngành Xuất bản thế giới hiện nay.
Sự kiện giao dịch bản quyền sách do Con Sóc tổ chức chỉ là một trong rất nhiều sự kiện giàu ý nghĩa của Phố sách Xuân Mậu Tuất năm 2018. Với việc UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đầu tư cơ sở vật chất, mái che, hệ thống chiếu sáng cho khu vực sân khấu của Phố sách Hà Nội, có thể thấy các đơn vị xuất bản thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tổ chức sự kiện, tăng cường giao lưu giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc. Phố sách Xuân Mậu Tuất được tổ chức trong không khí náo nức, thu hút đông đảo khán giả, du khách, sân khấu đẹp, thân thiện. Và tới đây, sau thành công của Phố sách Xuân Mậu Tuất, chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch hoạt động của năm 2018, trong đó, tập trung vào việc chọn lọc, đẩy mạnh sự gặp gỡ, giao lưu giữa đại diện các nhà xuất bản lớn của thế giới với các đơn vị xuất bản Việt Nam.
Kể từ khi Phố sách Hà Nội ra đời, bản thân tôi đã được tiếp nhận nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ đại diện các nhà xuất bản quốc tế cũng như từ đại diện Đại sứ quán Hungary, Hàn Quốc, Đức... Họ không chỉ thích thú, mà còn bày tỏ sự ngưỡng mộ Hà Nội có phố sách rất đẹp và đậm chất văn hóa. Đã có những khó khăn sau một thời gian hoạt động, nhưng tôi nghĩ chính sự khó khăn ấy giúp hiểu rõ hơn, chúng ta cần làm gì để đẩy mạnh công tác xuất bản, phát hành, để Phố sách Hà Nội là nơi thể hiện nếp sống văn hóa, văn minh của người Thủ đô. Tính toán kinh doanh hiệu quả là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là tổ chức thành công những hoạt động có ý nghĩa thúc đẩy văn hóa đọc. Chúng tôi sẵn sàng tổ chức sự kiện mang giá trị cống hiến với cộng đồng tại Phố sách Hà Nội.
Chủ tịch Tập đoàn Le Investment Corp (Le Bros và Le Media) Lê Quốc Vinh:
Quảng bá văn hóa đọc thông qua các hoạt động sáng tạo đậm chất văn hóa
Chúng tôi đã tham gia cùng Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm ngay từ những ngày đầu xây dựng Đề án Phố sách Hà Nội với "định vị" nơi đây phải là điểm đến văn hóa của Thủ đô. Muốn vậy, Phố sách Hà Nội phải có các hoạt động văn hóa thường xuyên và giàu ý nghĩa, kết hợp với sự hỗ trợ chuyên nghiệp về truyền thông. Phố sách Hà Nội không chỉ là nơi để mua sách, mà phải là nơi trao đổi, giao lưu học hỏi, giới thiệu tác giả, tác phẩm hằng tuần, hằng tháng.
Nhằm đẩy mạnh quảng bá văn hóa đọc, biến Phố sách Hà Nội thực sự trở thành trung tâm sáng tạo văn hóa của Thủ đô, thời gian tới, Le Media - thông qua thương hiệu "Đẹp cà phê" - sẽ phối hợp cùng các đơn vị xuất bản đang hoạt động tại Phố sách Hà Nội để tổ chức hằng tuần các sự kiện liên quan đến sách và văn hóa, bao gồm cả âm nhạc, mỹ thuật, tranh ảnh... Chúng tôi sẽ phối hợp cùng Thông tấn xã Việt Nam tổ chức giới thiệu tác phẩm ảnh thời sự, ảnh chuyên đề, cũng như phối hợp cùng nhiều đơn vị văn hóa - nghệ thuật để tổ chức các chương trình nghệ thuật đường phố… Làm sao để mọi người hình dung đến với Phố sách là đến với địa điểm văn hóa. Không chỉ tổ chức giao lưu, giới thiệu sách, chúng ta có thể kết hợp nhiều phương thức như đổi sách cũ lấy sách mới, biến Phố sách thành không gian văn hóa mở…
Để Phố sách thực sự trở thành trung tâm quảng bá văn hóa đọc, chúng ta cần có thời gian, để tất cả có ý thức trân trọng sách có bản quyền, “nói không” với sách lậu. Nhắm mục tiêu lâu dài đó, chúng ta cần chấp nhận: Có thể du khách, độc giả đến với Phố sách không phải để mua sách, mà chỉ để chụp ảnh, giao lưu, nói chuyện, đọc, rồi họ ra phố Đinh Lễ mua sách. Sau này, khi ý thức về việc đọc được nâng lên thì tại khu vực bán sách ở Đinh Lễ cũng sẽ có thay đổi - sẽ chỉ chọn sách có bản quyền để bán cho khách hàng. Đó mới là hiệu ứng giá trị.
Tôi nghĩ, đưa các loại hình văn hóa nghệ thuật vào Phố sách là phải nhắm đến mục tiêu làm phong phú thêm chất văn hóa, góp phần tôn vinh giá trị của việc đọc. Ngay cả cà phê sách, bản chất cũng phải là hỗ trợ việc đọc, giúp mọi người đọc sách trong không gian mở, hỗ trợ đọc sách điện tử... Về lâu dài, Phố sách Hà Nội phải là trung tâm quảng bá văn hóa đọc, quảng bá tác phẩm được đầu tư bài bản, có bản quyền.