TP Hồ Chí Minh: Thị trường lao động cơ bản ổn định

Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 26/02/2018

(HNM) - Nếu những năm trước, sau Tết Nguyên đán thường có sự biến động lớn về thị trường lao động, năm nay sau Tết Mậu Tuất 2018, thị trường lao động tại TP Hồ Chí Minh vẫn giữ được sự ổn định.


Chỉ thiếu hụt từ 3% đến 5%

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tình trạng thiếu hụt lao động tại TP Hồ Chí Minh không lớn, bình quân từ 3% đến dưới 5%. Còn với những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt, may, chế biến, dịch vụ - phục vụ nhà hàng, khách sạn... mức độ thiếu hụt trung bình từ 8% đến 10% do các ngành này tuyển thêm nhiều lao động. Vấn đề các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là tuyển chọn người lao động phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, kể cả lao động phổ thông.

Như vậy, sau Tết Nguyên đán, tình trạng dịch chuyển lao động khiến nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng bình quân 5%-8% so thời điểm cuối năm 2017. Sự dịch chuyển này tập trung ở cả lực lượng lao động phổ thông và nhân sự chất lượng cao.

Thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đã ổn định.


Trong tháng 2-2018, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có nhu cầu cần tuyển 20.000 lao động làm việc ổn định và trên 5.000 lao động thời vụ. Thậm chí, cũng trong tháng này, một số công ty đã thông báo tuyển dụng lao động cho sau Tết Nguyên đán và có chính sách khuyến khích người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Đặc biệt các ngành dệt may, giày da, chế biến thủy hải sản là những ngành dễ thiếu hụt lao động sau Tết.

Dự báo tháng 3-2018, TP Hồ Chí Minh cần tới 30.000 lao động. Với đặc thù là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, thị trường lao động TP Hồ Chí Minh năm 2018 tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; chú trọng phát triển theo xu hướng lao động đã qua đào tạo, có tay nghề, năng suất lao động, bảo đảm cho việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu lao động.

Không còn nỗi lo "nhảy việc"


Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, đặc điểm thị trường lao động tại TP Hồ Chí Minh thông thường ở quý I và quý II hằng năm là giai đoạn thường xuyên có biến động về mặt nhân sự. Tuy nhiên, vài năm gần đây, tình hình chung là người lao động có nhu cầu ổn định, không muốn thay đổi công việc; đồng thời, các doanh nghiệp đã ý thức việc giữ nhân sự bằng lợi ích hài hòa, có lợi cho đôi bên bằng các giải pháp căn cơ như: Bảo đảm công việc ổn định, lương và phúc lợi được cải thiện, chính sách chăm lo Tết khá chu đáo...

"Điều kiện tiên quyết để giữ chân người lao động là chính sách việc làm ổn định, tiếp theo là cơ hội phát triển nghề nghiệp... Hiện nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đã làm khá tốt điều này", ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm này, 95% người lao động đã quay trở lại làm việc. Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, 5% còn lại có thể do người lao động chưa kịp vào sau Tết Nguyên đán, hoặc những lao động này thay đổi nghề nghiệp, tìm công việc khác phù hợp hơn. Thời điểm chỉ vài ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán mà 95% người lao động quay lại làm việc là tỷ lệ khá cao, cho thấy thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đã có sự ổn định nhất định.

Trong những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cơ chế nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong các ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn. Chính vì vậy, cơ hội việc làm tại TP Hồ Chí Minh năm 2018 sẽ rộng mở với lao động có chuyên môn, tay nghề cao.

Tuy vậy, theo các chuyên gia về nhân sự, TP Hồ Chí Minh không thiếu nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao, nhưng để tìm được những ứng viên có khả năng làm việc theo nhóm, có kỷ luật, thái độ làm việc nghiêm túc, đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm trong công việc và phù hợp với văn hóa công ty lại rất khó khăn.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia về nguồn nhân lực cảnh báo, bên cạnh công tác đào tạo về chuyên môn, TP Hồ Chí Minh cần đặc biệt chú ý đào tạo những kỹ năng "mềm" cho người lao động mới có thể đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt của các công ty, tập đoàn nước ngoài và đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế, trong đó có hội nhập nguồn nhân lực.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, dự kiến năm 2018, TP Hồ Chí Minh có nhu cầu 300.000 chỗ làm việc, tăng bình quân 5% so với năm 2017; trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới, tăng 4% so với năm 2017.

Nguyễn Lê