Ngành Nông nghiệp với những kỳ vọng mới

Kinh tế - Ngày đăng : 07:19, 26/02/2018

(HNM) - Tiếp nối thành công từ nỗ lực vượt khó trong năm 2017, năm 2018, ngoài việc duy trì đà tăng trưởng về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng chuỗi sản xuất, đặc biệt là xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco. Ảnh: Xuân Phú


Tập trung cây, con chủ lực

Để đạt mục tiêu 40 tỷ USD giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mà ngành Nông nghiệp đặt ra, hiện ngành này đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm của ngành, lĩnh vực và địa phương theo 3 trục: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh, thành phố; nhóm đặc sản làng, xã. Qua đó, xây dựng giải pháp chỉ đạo cụ thể, hiệu quả.

Là một trong những lĩnh vực có nhiều sản phẩm chủ lực, những năm qua, ngành Trồng trọt đã không ngừng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung những giống cây chủ lực, có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu. Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm qua, có khoảng 185,78 nghìn héc ta lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng giá trị cao. Trong đó, từ đất 3 vụ lúa là hơn 60 nghìn héc ta; đất 2 vụ lúa khoảng hơn 71 nghìn héc ta; đất 1 vụ lúa hơn 36 nghìn héc ta và gần 9.000ha đất lúa được chuyển sang trồng cây lâu năm.

Bên cạnh đó, diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp trên phạm vi cả nước ngày càng tăng mạnh. Cụ thể, diện tích trồng điều đạt hơn 132 nghìn héc ta, tăng 5 nghìn héc ta; hồ tiêu tăng 24,5 nghìn héc ta; rau các loại hơn 937 nghìn héc ta, tăng 29,5 nghìn héc ta; cây ăn quả tăng cao nhất với tổng diện tích 893 nghìn héc ta, tăng 50 nghìn héc ta so với năm trước. Năm 2018, mục tiêu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt 2,2-2,3%, giá trị tăng thêm tối thiểu đạt 2,1%; kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực trồng trọt đạt 20 tỷ USD...

Cùng với các loại cây trồng, thủy sản cũng đang là thế mạnh của ngành Nông nghiệp. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai, Tổng cục đang khuyến khích phương thức thả nuôi công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ và quy trình thực hành nuôi tốt (GAP), tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng; mở rộng áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời triển khai mạnh kế hoạch phát triển ngành nuôi tôm nhằm đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2018, ổn định diện tích nuôi tôm sú khoảng 600 nghìn héc ta, sản lượng 265 nghìn tấn. Ngành Thủy sản phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất 5,3-5,8%, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD... Bên cạnh đó, chăn nuôi, lâm nghiệp cũng được đẩy mạnh tái cơ cấu, gắn phát triển theo chuỗi khép kín. Căn cứ thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước đã xây dựng 746 mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn tại 63 tỉnh, thành phố; hình thành mạng lưới và hệ thống các cơ sở giới thiệu nông sản hữu cơ, sạch, an toàn với người tiêu dùng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Theo xu hướng chung hiện nay, để tái cơ cấu ngành đạt hiệu quả, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến là yêu cầu tất yếu. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tiềm năng ngành Nông nghiệp còn lớn, tuy nhiên, tình trạng sản xuất thô, manh mún, nghèo nàn trong chế biến đang làm giảm giá trị của nhiều ngành hàng nông sản. Trong khi đó, nếu được áp dụng công nghệ cao, năng suất cây trồng, vật nuôi có thể tăng gấp 3-4 lần.

Đơn cử, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ cao và đến nay đã có khoảng 50.000ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chiếm gần 17% tổng diện tích canh tác của địa phương. Nhiều diện tích áp dụng mô hình này tại Lâm Đồng đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, nhiều khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hậu Giang, Phú Yên, Thái Bình… cũng đang được phát triển, nhân rộng.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực triển khai gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng ưu tiên cho vay với lãi suất ngắn hạn khoảng 5,3-6,5%/năm; trung - dài hạn khoảng 8,5-10%/năm (thấp hơn từ 0,5 đến 1,5% so với thông thường). Theo đó, đến nay đã có 8 ngân hàng thương mại cam kết dành nguồn vốn khoảng 135.000 tỷ đồng cho vay các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp hiệu quả.

Theo Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến hết năm 2017, dư nợ đầu tư của ngành Ngân hàng với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 36.000 tỷ đồng; cho vay gần 6.400 khách hàng (chủ yếu cho vay với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) với dư nợ đạt 31.286 tỷ đồng…

Song song với những giải pháp nêu trên, ngành Nông nghiệp đang thiết lập xây dựng mạng lưới thị trường trong và ngoài nước. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Năm 2018, ngoài việc tiếp tục nắm chắc các thị trường truyền thống, ngành sẽ mở rộng sang các thị trường nhiều tiềm năng tại các khu vực Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, lựa chọn tham gia các hội chợ quốc tế lớn ngành Nông nghiệp tại các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản) và thị trường tiềm năng (ASEAN, Liên bang Nga, Trung Đông) nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm triển vọng, còn dư địa mở rộng thị trường như: Rau quả, thủy sản, gạo, sản phẩm chăn nuôi...

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng nông sản, nhất là các loại nông sản chủ lực; hoàn thành và quảng bá mạnh thương hiệu “Gạo Việt Nam”; tiếp tục tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật để nông sản Việt có thể vươn xa...

Đỗ Minh