“Bắt bệnh của trời”: Cần đầu tư thỏa đáng cho công nghệ
Xã hội - Ngày đăng : 17:37, 27/02/2018
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã trao đổi, chia sẻ kiến thức, đồng thời đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Theo Giáo sư Petteri Taalas (Phần Lan), việc đầu tư cho dự thính, dự báo về khí hậu không chỉ theo ngày, tháng mà hướng tới cả thập kỷ với độ chính xác cao sẽ góp phần quan trọng vào phát triển bền vững các ngành liên quan như: Nông nghiệp, y tế, du lịch, công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia chia sẻ: "Những năm gần đây, xu thế diễn biến của thiên tai ngày càng khốc liệt, phức tạp, khó lường, khí hậu ngày càng nóng, khô, mưa bão nhiều... Trong năm 2017, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, đạt con số kỷ lục trong nhiều năm qua".
Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết, khí hậu bất thường như: Băng giá xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực sâu vào đất liền ở các tỉnh phía Nam..., đòi hỏi ngành Khí tượng thủy văn phải đầu tư hơn nữa về con người, công nghệ dự thính, dự báo nhằm giảm tối đa thiệt hại cũng như làm cơ sở cho các chính sách phát triển kinh tế xã hội khác. Để đưa ra các cảnh báo chính xác, việc đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng hệ thống khí tượng thủy văn là điều cần thiết hơn bao giờ hết.