Nơi bệnh nhân gọi là... nhà
Sức khỏe - Ngày đăng : 00:34, 27/02/2018
Bệnh nhân được điều trị tại Khoa Y học dân tộc, Bệnh viện Đa khoa SaintPaul. |
Giúp người bệnh vượt qua bi quan, chán nản
Vào những ngày cuối năm 2017, bà Nguyễn Thị Minh Thanh (Hà Nội) đã thay mặt nhóm bệnh nhân nặng đang điều trị nội trú tại Khoa Y học dân tộc, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul viết những dòng thư đầy xúc động trước khi ra viện.
Khi vào nhập viện, người đi xe lăn, người thì phải dìu và đa phần đau đớn toàn thân do thần kinh tọa, viêm đa khớp mạn tính gây nên. Người nhẹ hơn thì cũng suy nhược, kém ăn, mất ngủ, chân tay run rẩy. Không ít người vì bệnh tật mà bi quan, chán nản trong cuộc sống.
"Vậy mà nhờ sự chăm sóc ân cần, tận tình, vui vẻ từ lãnh đạo Khoa đến các nhân viên, bác sĩ, bệnh tật được đẩy lùi lúc nào không hay. Người đi xe lăn hoặc phải dìu chỉ sau từ 3-7 ngày châm cứu, xoa bóp đã ngồi dậy, dưới sự trợ giúp của người nhà đã chậm rãi đi lại. Chúng tôi thấy thoải mái, tỉnh táo, ăn uống tốt, ngon miệng, giấc ngủ dài và sâu" - bà Thanh vui mừng kể lại.
Với những bệnh nhân như bà Thanh, từng tên gọi, từng gương mặt các y, bác sĩ tại khoa đã trở nên thân thương, quen thuộc như bác sĩ Phương Anh, bác sĩ Thu, bác sĩ Trang, bác sĩ Linh...
"Từ 7h sáng, bác sĩ Thu, người phụ trách phòng khám số 8 đã có mặt tại Khoa và làm việc luôn tay, luôn chân mà không có lúc nào ngơi nghỉ. Bác sĩ là người cởi mở, sống tình cảm, luôn coi người bệnh như người thân trong gia đình và đối xử công bằng với tất cả. Được bác sĩ châm cứu, giác hơi, xoa bóp, bấm huyệt thì mọi bệnh tật đều giảm đi rất nhiều. Ai được bác sĩ phục vụ cũng đều hài lòng". Đó là những lời lời khen chân thành mà bệnh nhân Lê Thị Vy dành cho bác sĩ Nguyễn Hoài Thu.
Các động tác xoa bóp, bấm huyệt, điện châm... giúp người bệnh giải phóng được các cơn đau. |
Còn bệnh nhân Nguyễn Thị Minh thì đến ngày ra viện vẫn còn ấn tượng với hình ảnh bác sĩ Nguyễn Phương Anh sau một ngày hết ca trực mệt mỏi, vừa cởi áo bờ-lu để ra về thì khoa lại tiếp nhận bệnh nhân đến cấp cứu. Chị vội vã "xắn tay" cùng các đồng nghiệp tích cực điều trị, theo dõi bệnh nhân đến khi hồi phục thì mới yên tâm ra về.
Và cảm nhận được tấm chân tình!
BS Trần Văn Thuấn, Trưởng khoa Y học dân tộc, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul cho biết, thường vào những thời điểm giao mùa, lượng bệnh nhân đông lên, hơn 20 các cán bộ, y bác sĩ trong khoa các y bác sĩ trong khoa vui vẻ và tự giác đẩy sớm thời gian làm việc lên 30 phút và chỉ kết thúc ca trực cho đến khi điều trị xong ca bệnh cuối cùng.
Người bệnh tìm đến với Khoa Y học dân tộc thường mắc các bệnh mạn tính về xương khớp, bệnh về di chứng tai biến mạch máo não, các bệnh về thần kinh ngoại biên như liệt dây thần kinh ngoại biên số 7, đau thần kinh tọa... Với các bệnh trên, nếu điều trị bằng y học hiện đại thì sẽ gặp những tác dụng phụ như gây loét, chảy máu dạ dày hoặc bệnh về đường tiêu hóa. Do đó, nếu dùng điện châm, xoa bóp bấm huyệt theo phương pháp của đông y sẽ phát huy tác dụng tại chỗ, giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi các cơn đau.
|
Tuy nhiên, ngoài giúp đỡ người bệnh bằng chuyên môn, trên vai trò người quản lý với thâm niên 27 năm công tác tại Khoa, BS Thuấn luôn tâm niệm thái độ tận tình phục vụ và sự quan tâm ân cần, cởi mở với người bệnh cũng quan trọng không kém.
Bệnh nhân có nhiều cách để phản ánh về những điều này như qua hòm thư góp ý, đường dây nóng, song một trong những kênh quan trọng nhất là góp ý trực tiếp. Cửa phòng của vị bác sĩ trưởng khoa, căn phòng bé nhỏ, khiêm tốn được bố trí ở vị trí dễ thấy, dễ nhìn và luôn để cửa rộng mở, sẵn sàng tiếp đón mọi người.
Tất cả những phản ánh của người bệnh đều được lãnh đạo khoa trân trọng tiếp thu và sau đó sẽ cho kiểm tra để xem xét. Nếu góp ý đó là đúng thì lập tức sẽ được chỉnh sửa. Nhiều năm qua, khoa nhận được cả lời khen ngợi và góp ý, nhưng may mắn là khen có phần nổi trội hơn.
"Cũng giống như trong chữa bệnh, nếu bệnh được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời sẽ nhanh khỏi nên ngay khi nắm bắt thông tin, chưa cần đợi bệnh nhân phản ánh, trong các cuộc họp giao ban, lãnh đạo khoa đã kịp thời tìm hiểu và chấn chỉnh" - BS Thuấn bộc bạch "bí quyết" để tạo nên một tập thể y bác sĩ đoàn kết, một lòng phục vụ người bệnh tại đây.
|
Được thành lập từ năm 1970, cùng với sự phát triển của Bệnh viện Saint Paul, những năm qua, khoa Y học dân tộc đã không ngừng phát triển về cơ cấu tổ chức, năng lực chuyên môn cũng như cơ sở vật chất, có nhiều thành tựu góp phần nâng cao chất lượng điều trị phục vụ bệnh nhân.
Hàng năm, khoa thường xuyên hoàn thành vượt chỉ tiêu khám chữa bệnh từ 130 đến trên 200%. Cụ thể, trong năm 2017, tổng số ngày điều trị nội trú là 7.333 ngày và tổng số khám bệnh tại khối phòng khám là 6.865 lần. Quan trọng hơn, chất lượng khám chữa bệnh tại khoa được nâng cao, tỉ lệ bệnh đỡ và khỏi ngày càng tăng.
Với sứ mệnh là "cầu nối" giữa y học cổ truyền và hiện đại, sự kết hợp giữa đông và tây y sẽ góp phần hoàn thiện sứ mệnh cao nhất là phục vụ người bệnh. BS Trần Văn Thuấn cho biết, các bác sĩ tại Khoa đông y mỗi sáng thường kết hợp "đi buồng" với các bác sĩ tại các khoa khác như phẫu thuật thần kinh, nội tim mạch để kết hợp điều trị cho bệnh nhân bằng điện châm kích thích.
Các bác sĩ tại khoa luôn được quan tâm bồi dưỡng, để nâng cao trình độ, mỗi ngày thêm yêu, thêm gắn bó với nền y học cổ truyền cha ông để lại. Quan trọng hơn, họ luôn ý thức được, mỗi động tác họ thực hiện trên cơ thể bệnh nhân là sự nhuần nhuyễn của kiến thức, kỹ năng và sự đồng cảm. Cảm nhận được điều đó, nhiều bệnh nhân đã và đang điều trị tại đây luôn coi khoa Y học dân tộc như là nhà mình, chân tình và ấm áp!