Đồng lòng làm đẹp làng, sạch ngõ

Đời sống - Ngày đăng : 06:57, 27/02/2018

(HNM) - Xây dựng nông thôn mới, xã Trường Thịnh (huyện Ứng Hòa) xác định giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp là tiêu chí rất quan trọng...


Đã thành nếp, sáng thứ bảy hằng tuần, các thôn ở xã Trường Thịnh đều tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Đặc biệt, cuối mỗi năm, xã Trường Thịnh trích ngân sách thuê phương tiện tổng vệ sinh trên địa bàn toàn xã. Các bụi rậm, ụ đất được phát quang, san phẳng; cống rãnh được khơi thông... Từ nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và ngân sách xã và công sức nhân dân đóng góp, xã Trường Thịnh đã làm được 500 tấm đan bê tông nắp đậy cống lộ thiên...

Phong cảnh xã Trường Thịnh (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Bá Hoạt


Hiện cả 6 thôn của xã Trường Thịnh đã xây dựng quy ước thôn. Những điều khoản trong quy ước đều nhấn mạnh việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, giữ gìn môi trường sạch, đẹp. Vì thế, với 2 làng nghề truyền thống mây, tre, giang đan xuất khẩu ở thôn Hoa Đường và Đống Vũ, người dân cũng sử dụng nguồn rác từ nghề vào việc có ích, nên không có tình trạng rác xả bừa bãi...

Trường Thịnh có 2 trục đường chính đi qua, là quốc lộ 21B và tỉnh lộ 429. Trước đây, các tuyến đường này thường phát sinh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường làm nơi kinh doanh. Năm 2017, thực hiện việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường theo chỉ đạo của thành phố, xã Trường Thịnh đã thành lập Ban An toàn giao thông, lực lượng nòng cốt là Công an xã. Ban An toàn giao thông đã thường xuyên kiểm tra và đã phát hiện 40 trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lề, lòng đường và tổ chức ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lề đường với 98 hộ gia đình có nhà ở ven đường. Chỉ trong 20 ngày thực hiện “chiến dịch” đường thông, hè thoáng (từ ngày 10 đến ngày 30-3-2017), 34 trường hợp vi phạm đã tự giác tháo dỡ mái che, mái vẩy. Trường hợp còn lại, sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở, vận động, đã tự giác tháo dỡ, nên không có trường hợp nào bị xử phạt hành chính hay cưỡng chế tháo dỡ. Với những biển quảng cáo sai kích cỡ, xã yêu cầu các hộ chỉnh sửa, đồng thời tịch thu biển quảng cáo bày ở lề đường. Nhờ một loạt động thái tích cực, hiện nay, các hộ kinh doanh của địa phương đã nâng cao ý thức trong giữ gìn đường thông, hè thoáng...

Một điều đáng ghi nhận ở Trường Thịnh là sự đồng lòng của nhân dân trong việc xóa chợ cóc gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường tại lòng đường liên thôn Trung Thịnh - Đống Vũ. Đảng ủy, UBND xã đã họp bàn, thống nhất chủ trương di chuyển chợ vào sân kho Hợp tác xã thôn Trung Thịnh và khu đất công thôn Đống Vũ. Sau khi di dời, chợ đã thu hút người dân tới mua, bán, trao đổi nông sản thực phẩm và các tiểu thương kinh doanh ổn định. Ông Nguyễn Văn Thìn, Trưởng thôn Đống Vũ cho biết, sau khi chợ được chuyển về khu ao Cửa Đình Dưới, các hộ kinh doanh đã góp tiền, công sức để san nền, đổ bê tông, xây cầu chợ... với tổng trị giá 1,3 tỷ đồng. Hiện hoạt động kinh doanh, mua bán ở chợ mới đã ổn định. Tại nền chợ cóc cũ, một số gia đình tự nguyện góp tiền đổ sân bê tông và xây tường lửng, rào sắt xung quanh, tạo không gian thoáng đãng. Trong sân, bố trí nhiều bồn cây, bồn hoa, ghế đá, phục vụ người dân tới tản bộ, thư giãn, vui chơi...

“Trước năm 2015, đường ra nghĩa trang nhân dân của thôn chỉ là đường đất, nắng thì bụi, mưa lầy lội, rất vất vả mỗi khi thôn có đám tang. Nhân dân thôn Đống Vũ và những người con xa quê đã đóng góp công sức, tiền của hơn 800 triệu đồng để làm đường bê tông phẳng phiu, sạch sẽ, giúp người dân bớt khó khăn mỗi khi đưa người quá cố đến nơi an nghỉ” - Trưởng thôn Đống Vũ Nguyễn Văn Thìn chia sẻ thêm...

Nhờ sự nỗ lực không ngừng trong từng việc làm cụ thể, thiết thực, năm 2017, Trường Thịnh đã được UBND TP Hà Nội công nhận xã “Đạt chuẩn nông thôn mới”.

Ánh Dương