Nâng chất lượng dịch vụ để "giữ chân" người bệnh

Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 27/02/2018

(HNM) - Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến người bệnh đi nước ngoài chữa bệnh là hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế của nước ta còn hạn chế, cần sớm đầu tư để

Phân tích kết quả CT 384 lát cắt tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn). Ảnh: Bá Hoạt


Thiết bị hiện đại, tay nghề cao

Nhiều người bệnh, nhất là bệnh nhân ung thư đã chi tiền tỷ để ra nước ngoài khám, chữa bệnh dù trong nước không thiếu bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại. PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận không ít bệnh nhân xuất ngoại trở về để tiếp tục chữa trị vì chi phí ở nước ngoài quá đắt, song hiệu quả lại không khác là bao.

Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị M. (45 tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội) đã phải “hy sinh” căn nhà tiền tỷ ngay để đưa cậu con trai 14 tuổi bị ung thư máu (bạch cầu cấp) sang Singapore chữa bệnh. Chưa kể các chi phí khác, chỉ tính riêng mức phí dành cho giường bệnh tại Singapore đã tiêu tốn từ 600 đến 800 USD/ngày. Dù bỏ ra khoản tiền không nhỏ nhưng theo chị M., phác đồ và hiệu quả điều trị cũng tương tự như ở Việt Nam. Có chăng, bệnh viện nước ngoài hơn hẳn bệnh viện trong nước khâu chất lượng dịch vụ, nên gia đình chị M. đã quyết định đưa con trở về Việt Nam điều trị.

PGS.TS Trần Đăng Khoa cho rằng, sau những nỗ lực tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, giờ đây, các bệnh viện trong nước đã mang đến những cơ hội mới cho bệnh nhân bị ung thư. Ngay tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, hiện đã được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ nhất giúp chẩn đoán và điều trị ung thư hiệu quả như: Máy chụp mạch số hóa xóa nền, máy chụp cộng hưởng từ, máy nhuộm tiêu bản chẩn đoán giải phẫu bệnh, máy chụp PET/CT, máy chụp cắt lớp 64 dãy, 128 dãy, máy chụp xạ hình, máy xạ trị gia tốc điều biến liều… Không chỉ được chẩn đoán sớm, chính xác tổn thương nhờ máy chụp PET/CT, với phương pháp xạ trị điều biến khối u bị tiêu diệt, nhưng vẫn bảo đảm liều xạ thấp nhất vào tổ chức lành, giảm nguy cơ biến chứng cho người bệnh…

Đi vào hoạt động từ ngày27-11-2016 với tiêu chí “Mang tiêu chuẩn y tế Châu Âu đến Hà Nội”, đến nay, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) được ví như “đầu tàu” của ngành Y tế Thủ đô. Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội cho biết, trang thiết bị y tế của đơn vị hầu hết là công nghệ mới nhất thế giới, nên đã hỗ trợ hữu hiệu cho các bác sĩ từ tầm soát, phát hiện sớm, phòng ngừa bệnh tật đến chẩn đoán chính xác, can thiệp tối thiểu, điều trị hiệu quả. Trong đó có các loại: Máy siêu âm Siemens S300; cộng hưởng từ MRI 3.0; hệ thống nội soi Exera III; hệ thống nội soi chẩn đoán ung thư sớm tiên tiến nhất thế giới… Ngoài ra, tại trung tâm còn có thiết bị CT Scanner 384 - một trong 3 máy duy nhất hiện có tại Đông Nam Á - đi đầu trong phát hiện sớm bệnh lý hiện nay. Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, hiện các kỹ thuật cao, máy móc, thiết bị phục vụ cho chẩn đoán, điều trị ở nước ngoài có, thì ở Việt Nam cũng có. Còn tay nghề của bác sĩ Việt Nam cũng không thua kém bác sĩ ngoại. Trong khi chi phí khám, chữa bệnh ở nước ngoài cao gấp 4 lần, thậm chí gấp đến 10 lần trong nước.

Không chỉ triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực tim mạch, năm 2017, các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội còn thực hiện chuyến “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao kỹ thuật chụp mạch vành và can thiệp mạch vành cho y, bác sĩ Bệnh viện Mahosot (Lào). Đây là một trong những kỹ thuật cao nhất, hiện đại nhất trong lĩnh vực tim mạch. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ, trước đây, khi Trung tâm Tim mạch Lào - Luxembourg của Bệnh viện Mahosot chưa đi vào hoạt động, người bệnh đều phải sang Thái Lan, Singapore hoặc Việt Nam để điều trị với chi phí lên tới gần 70 triệu đồng/ca. Hơn nữa, với bệnh nhân tim mạch cần được can thiệp, điều trị ngay tại chỗ, nếu phải di chuyển chặng đường dài sẽ làm giảm cơ hội sống sót...

Tập trung nâng cấp chất lượng dịch vụ y tế


Trang thiết bị tại nhiều bệnh viện ở Việt Nam rất hiện đại, hỗ trợ hữu hiệu cho bác sĩ chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh hiệu quả. Ảnh: Thái Hiền


Mặc dù trình độ y bác sĩ, trang thiết bị của bệnh viện nước ta hiện không thua kém các cơ sở y tế ở nước ngoài, nhưng vì sao một bộ phận người Việt vẫn tìm đường “xuất ngoại” chữa bệnh? Bà Đặng Thị Lợi (69 tuổi ở Hà Nội) - hiện đang điều trị bệnh đái tháo đường định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho rằng, người dân vẫn muốn ra nước ngoài chữa bệnh, vì ngại cảnh quá tải, chờ đợi khi khám, chữa bệnh trong nước. Thêm vào đó, người bệnh thiếu thông tin về những kỹ thuật cao, chuyên sâu đang được các bệnh viện trong nước triển khai. Có vẻ như các bệnh viện lớn, có đội ngũ chuyên gia giỏi, trang thiết bị hiện đại luôn trong tình trạng quá tải, nên cảm thấy không cần phải giới thiệu, quảng bá...

Ông Joel Leroy (người Pháp), chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tiêu hóa, cũng là người đồng hành và có công sáng lập ra Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội luôn đánh giá cao trình độ tay nghề của các bác sĩ Việt Nam, đã triển khai được nhiều kỹ thuật y khoa tương đương thế giới. Tuy nhiên, ông Joel Leroy cũng quan ngại về tình trạng “chảy máu” ngoại tệ khi người dân Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh. Theo ông, nếu số tiền này được đầu tư phát triển kỹ thuật, hạ tầng y khoa sẽ giúp cho việc phát triển và ứng dụng được ngày càng nhiều kỹ thuật mới.

PGS.TS Trần Đăng Khoa cho rằng, muốn ngăn chặn tình trạng “chảy máu” ngoại tệ, phải có những giải pháp cụ thể, quyết liệt. Đầu tiên là tuyên truyền cho người dân biết về trình độ, tay nghề của các bác sĩ trong nước. Bên cạnh đó, tại các bệnh viện công phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư cơ sở vật chất, phòng ốc hiện đại, thay đổi về thái độ phục vụ của nhân viên y tế để người bệnh tin tưởng. Chỉ có làm được như vậy, ngành Y tế mới không bị "thua trên sân nhà".

Hôm nay (27-2), Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chính thức khai trương tòa nhà khám, chữa bệnh với quy mô 250 giường bệnh cao cấp, 6 phòng khám theo yêu cầu, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, tòa nhà còn được đầu tư một phòng hội chẩn trực tuyến từ xa (Telemedicine) để đáp ứng nhu cầu hội chẩn giữa các bác sĩ trong nước với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, giúp người dân giảm thiểu đáng kể chi phí ra nước ngoài khám, chữa bệnh.

Thu trang