Thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp bằng uy tín

Kinh tế - Ngày đăng : 06:16, 27/02/2018

(HNM) - Lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia 2017, dự kiến diễn ra vào tháng 3-2018, được mong chờ là sự kiện thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.


Động lực nâng cao chất lượng


Thời gian qua, việc xét tặng các giải thưởng, tôn vinh doanh nhân và doanh nghiệp đã góp phần kịp thời khích lệ, động viên và ghi nhận đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc tổ chức xét tặng giải thưởng tràn lan, tiêu chí dễ dãi cùng việc thu tiền hỗ trợ từ doanh nghiệp một cách tùy tiện đã khiến dư luận có cái nhìn thiếu tin cậy với các giải thưởng nói chung. Nhằm quản lý thống nhất các hoạt động tôn vinh, xét tặng giải thưởng liên quan đến doanh nhân và doanh nghiệp vào nền nếp, có chất lượng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 51/2010/QĐ-TTg ngày 28-7-2010 để điều chỉnh các hoạt động tổ chức tôn vinh danh hiệu và xét tặng giải thưởng nêu trên. Giải thưởng Chất lượng quốc gia là giải thưởng uy tín về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức trao tặng hằng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp có đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng lựa chọn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Anh Tuấn


Hơn 20 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng Chất lượng quốc gia đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội. Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Chất lượng quốc gia cho biết, đây là một giải thưởng được luật hóa về chất lượng hàng hóa; được ban hành theo quy tắc quốc tế. Các tiêu chí Giải thưởng Chất lượng quốc gia được xây dựng dựa trên hệ thống các giá trị cốt lõi gồm: Tầm nhìn của lãnh đạo; định hướng vào khách hàng; nâng cao kiến thức của tổ chức và cá nhân; nâng cao giá trị của các bên có quyền lợi liên quan; sự linh hoạt, nhạy bén; chú trọng vào tương lai; quản lý để đổi mới...

Đánh giá về Giải thưởng Chất lượng quốc gia, Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed), doanh nghiệp đạt giải Vàng năm 2016, Trần Mạnh Báo chia sẻ: Nhờ có các hệ thống văn bản về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường mà các doanh nghiệp nói riêng và người tiêu dùng nói chung đã quan tâm hơn với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tạo ra phong trào thúc đẩy quá trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Khi đạt được Giải thưởng Chất lượng quốc gia, doanh nghiệp sẽ có điều kiện cạnh tranh thuận lợi hơn khi ra đến thị trường quốc tế. Ngoài ra, Giải thưởng Chất lượng quốc gia còn là sự ghi nhận về trình độ chất lượng của doanh nghiệp. Đó còn là động lực để doanh nghiệp quan tâm tới các điều kiện khác, ví dụ như con người, nguồn lực...

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Để thúc đẩy ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào hệ thống đánh giá chất lượng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam đã liên tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trong hành trình khẳng định chất lượng. Phần lớn doanh nghiệp tham gia lần đầu đều cho rằng, điều kiện tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia khá khó khăn nên chưa đủ năng lực. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, tới nay Giải thưởng đã thu hút sự tham gia gần 2.000 doanh nghiệp song đây vẫn là con số khiêm tốn so với hơn nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn yếu về quản trị, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó khi tiếp cận, các doanh nghiệp khó đáp ứng các tiêu chí của Giải thưởng.

Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia, khi gửi thư mời đăng ký, các chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng các tỉnh, thành phố đều giải thích cặn kẽ cũng như hướng dẫn để các doanh nghiệp phấn đấu đủ điều kiện tham gia. Tại Hà Nội, sau khi tiếp nhận đăng ký tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia 2017 của các doanh nghiệp, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội đã tiến hành mở lớp đào tạo doanh nghiệp để giúp họ nắm vững thông tin về quy trình, thủ tục tham gia. Đồng thời, qua đó triển khai xem xét, đánh giá hồ sơ, đánh giá tại chỗ tổ chức doanh nghiệp tham gia Giải thưởng.

Để đồng hành với doanh nghiệp khẳng định chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã đưa ra một số giải pháp. Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết, mẫu báo cáo tham dự Giải thưởng sẽ được cải tiến theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn cho doanh nghiệp tham dự nhưng vẫn bảo đảm được các yêu cầu theo quy định. Tổng cục sẽ triển khai xây dựng cổng thông tin điện tử để doanh nghiệp tham dự có thể khai báo đăng ký và nộp hồ sơ trực tuyến. Cơ quan thường trực Giải thưởng cũng sẽ đề xuất sửa đổi một số điều như: Các bộ, ngành có thể thành lập hội đồng sơ tuyển chuyên ngành; thay đổi tên gọi giải Bạc và giải Vàng Chất lượng quốc gia thành Giải thưởng Chất lượng quốc gia... Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng sẽ cùng các cơ quan liên quan triển khai tư vấn, sử dụng một phần ngân sách để giúp doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình; đào tạo đội ngũ chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng…

Ngũ Hiệp