Hà Nam chuẩn bị 18 vạn túi lương cho lễ hội phát lương Đức Thánh Trần
Văn hóa - Ngày đăng : 18:33, 28/02/2018
Lương tại đền Trần Thương. (Nguồn: TTXVN) |
Theo kế hoạch, sáng sớm 12 tháng Giêng, các cụ cao niên và nhân dân xã Nhân Đạo làm lễ rước nước từ sông Hồng về đền. Phục vụ lễ hội, vào ngày 12 tháng Giêng, huyện Lý Nhân tổ chức khai mạc Giải vật mùa Xuân thượng võ mở rộng; Liên hoan văn nghệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới với xã Nhân Đạo. Chiều 14 tháng Giêng, nhân dân và các cụ cao tuổi trong xã tổ chức Lễ rước lương từ miếu Thổ thần vào đền để các đại đức làm mật lễ.
Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đoàn đại biểu Trung ương, địa phương và nhân dân về dự lễ hội, Công an tỉnh Hà Nam đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng triển khai các phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông trên địa bàn.
Công an tỉnh huy động đảm bảo quân số cùng các phương tiện bố trí thường trực tại 15 điểm chốt trong và ngoài khu vực tổ chức lễ hội để thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông; đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời những trường hợp lợi dụng lễ hội để có hành vi gây phức tạp về an ninh trật tự.
Ban Tổ chức Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần đã thành lập các tiểu ban phục vụ, gồm: Tiểu ban Tuyên truyền - trang trí khánh tiết, Tiểu ban Nghi lễ, Tiểu ban An ninh trật tự, Tiểu ban Y tế - vệ sinh môi trường và Tiểu ban Tài chính - hậu cần - vật tư trang thiết bị. Công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất.
Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Hà Nam. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Khu vực Đền Trần Thương theo truyền thuyết là địa điểm mà Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã lựa chọn để làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên thế kỷ thứ XIII.
Việc tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, động viên nhân dân phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn...