Bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả
Bất động sản - Ngày đăng : 06:12, 01/03/2018
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội hỗ trợ hộ nghèo huyện Phúc Thọ vay vốn sản xuất và xây dựng, sửa chữa nhà dột nát. Ảnh: Thái Hiền |
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trong những năm vừa qua?
- Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, TP Hà Nội đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo thoát nghèo. Trong đó, việc huy động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở tiến hành xây dựng hoặc sửa chữa nhà là một trong những giải pháp nhân văn và khả thi.
Tôi được biết, giai đoạn 2009-2011, TP Hà Nội đã trích ngân sách gần 180 tỷ đồng; Quỹ Vì người nghèo các cấp vận động được gần 20 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 11.260 nhà ở cho hộ nghèo. Giai đoạn 2012-2017, kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo chủ yếu do các địa phương đầu tư hoặc vận động xã hội hóa. Nhờ đó, hàng vạn hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội có nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống...
- Ông có thể cho biết rõ hơn mức hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trong năm 2018?
- Kế hoạch 29 nêu rõ, đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015; hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Các hộ sẽ được hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa nhà với mức tối thiểu là 45 triệu đồng/nhà xây mới, 35 triệu đồng/nhà sửa chữa. Với các hộ xây mới, TP Hà Nội và các địa phương huy động xã hội hóa để hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà, đồng thời tạo điều kiện cho mỗi hộ vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Người vay không phải trả lãi suất trong suốt thời hạn vay 15 năm, chỉ phải trả tối thiểu 10% tổng số vốn đã vay/năm, tính từ năm thứ 6 trở đi. Ngoài số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, các hộ sửa chữa nhà cũng được vay ưu đãi tương tự như các hộ xây mới.
Theo Kế hoạch 29, trong năm 2018, toàn thành phố có 4.046 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà. Số hộ được hỗ trợ tập trung chủ yếu ở những địa phương còn khó khăn như huyện Ba Vì với 752 hộ, Chương Mỹ với 653 hộ, Mê Linh với 473 hộ, Thanh Oai với 467 hộ, Mỹ Đức với 338 hộ…
- Trên thực tế, việc huy động nguồn lực xã hội hóa không dễ dàng. Để hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, theo ông, các ngành, địa phương cần làm gì?
- Đúng là trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc huy động nguồn xã hội hóa tại một số địa phương khó đáp ứng đủ nhu cầu. Để khắc phục, MTTQ và các ngành, đoàn thể từ thành phố tới cơ sở cần tăng cường vận động nhân dân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo; các quận không còn hộ nghèo hoặc còn ít hộ nghèo cần tiếp tục hỗ trợ các huyện còn nhiều hộ nghèo. Đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn (người cao tuổi, cô đơn, khuyết tật), không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa nhà, UBND cấp xã, Đoàn Thanh niên và các đoàn thể của địa phương sẽ giúp các hộ thực hiện. Thời gian vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà kéo dài tới 15 năm, không phải trả lãi suất, nên các hộ hoàn toàn có thể yên tâm triển khai kế hoạch.
Giúp hộ nghèo trên địa bàn có nhà ở kiên cố, huyện Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai đã từng gặp nhiều khó khăn trong quá trình huy động nguồn lực xã hội hóa. Nhờ có sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và tinh thần nỗ lực vươn lên của người nghèo, mọi khó khăn, vướng mắc đều được tháo gỡ.
- Đến thời điểm này, các nguồn lực hỗ trợ đã được chuẩn bị đến đâu, thưa ông?
- Hiện nay, TP Hà Nội đã trích ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay xây dựng, sửa chữa nhà ở. Cùng với nguồn ngân sách, thành phố và các địa phương vận động, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm chung tay hỗ trợ hộ nghèo. Trong chương trình “Vòng tay nhân ái” diễn ra cuối tháng 1 vừa qua, hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đóng góp hơn 99 tỷ đồng để TP Hà Nội thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Nhiều chương trình, hoạt động quyên góp ủng hộ người nghèo cũng được các ngành, địa phương tổ chức.
Hiện đa số các ngành, địa phương đã triển khai kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ có thể xây dựng, sửa chữa xong nhà ở trước ngày 17-10-2018 - Ngày cả nước vì người nghèo. Trong quá trình triển khai, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, giám sát, bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng, minh bạch và hiệu quả.
- Trân trọng cảm ơn ông!