Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải làm việc với Ban Tuyên giáo Thành ủy
Chính trị - Ngày đăng : 08:32, 01/03/2018
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chủ trì buổi làm việc. |
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Giám đốc CATP Đoàn Văn Khương; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Theo đánh giá của Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học, năm 2017, hệ thống tuyên giáo thành phố đã tham mưu giúp cấp ủy triển khai hiệu quả công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo. Chất lượng công tác tuyên giáo tiếp tục được nâng cao.
Một số lĩnh vực đã thực hiện được các cấp ủy ghi nhận như: Triển khai học tập, quán triệt nghị quyết; sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của TƯ và Thành ủy; chủ động, tích cực tham mưu triển khai các đề án, chuyên đề cụ thể hoá nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khoá XVI và các chương trình công tác của Thành ủy, nghị quyết đại hội các cấp...
Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng tham mưu, hướng dẫn triển khai tốt công tác tuyên truyền các ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước; phối hợp với các cơ quan của thành phố chỉ đạo tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; chủ động đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn; nắm bắt và dự báo kịp thời diễn biến những vấn đề lớn, phức tạp tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô, góp phần củng cố niềm tin, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của Thủ đô và đất nước.
Một số tồn tại, hạn chế cũng được đồng chí Phạm Thanh Học chỉ ra như: Một số cấp ủy Đảng nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác tư tưởng; chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên giáo; việc chủ động nắm bắt các luồng dư luận trong xã hội có lúc còn chưa kịp thời; thông tin, định hướng dư luận xã hội, phản bác những thông tin sai trái, phản động trên các trang tin điện tử, mạng xã hội còn hạn chế...
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việc |
Trên cơ sở chỉ rõ các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã định hướng rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 và các năm tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo Thủ đô.
Đó là tăng cường dự báo tình hình, phát hiện, nắm bắt kịp thời những vấn đề bức thiết trong cuộc sống để định hướng tư tưởng chính trị, dư luận xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động của công tác dư luận; chỉ đạo xây dựng phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy đã nêu ra một số đề xuất, kiến nghị như: Thường trực Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc quan tâm nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo từ xây dựng, quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ làm công tác tuyên giáo bảo đảm năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu công việc đến triển khai các nhiệm vụ cụ thể.
"Hiện nay, mô hình và hoạt động của hệ thống tuyên giáo cấp xã, phường còn nhiều bất cập. Do đó, đề nghị Thường trực Thành ủy cho phép Ban Tuyên giáo triển khai một số nội dung thí điểm nâng cao chất lượng tuyên giáo xã, phường, thị trấn; mô hình triển khai công tác khoa giáo, dư luận xã hội, tuyên truyền... tại phường, xã, thị trấn", đồng chí Phạm Thanh Học nêu.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu nêu ra tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Văn Phong cho biết, năm 2018, công tác tuyên giáo Thủ đô tập trung vào địa bàn các xã, phường, thị trấn; phối hợp cung cấp thông tin, định hướng sinh hoạt chi bộ cho 30 quận, huyện, thị xã.
Về hoạt động giao ban báo chí, hiện đang được tổ chức định kỳ 1 tuần/lần nhưng theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, thông tin cung cấp cho báo chí chưa đủ. Sự chủ động cung cấp thông tin của quận, huyện, sở, ngành là rất quan trọng. Thành phố đã có quy chế về vấn đề này, Ban Tuyên giáo mong UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị, cơ sở chủ động phối hợp. Với các vấn đề phức tạp, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức cung cấp thông tin báo chí đột xuất mà không phụ thuộc vào thời gian giao ban báo chí định kỳ.
Phân cấp, phân công rõ thời hạn và trách nhiệm xử lý dư luận xã hội
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, tuyên giáo là nhiệm vụ chiến lược và quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Ban Tuyên giáo là cơ quan làm nhiệm vụ xây dựng cũng như tuyên truyền nền tảng tư tưởng chính trị, nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng, đồng thời cũng là cơ quan tham mưu quan trọng của Thành ủy. Vì vậy, những năm qua, Thành ủy Hà Nội hết sức quan tâm đến các hoạt động chỉ đạo, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các hoạt động tuyên giáo.
Tổng kết hoạt động năm 2017, Bí thư Thành ủy nêu những kết quả, thành tựu nổi bật mà ngành Tuyên giáo Thủ đô đã đạt được. Đó là ngành đã tham mưu để triển khai, phổ biến, quán triệt kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của TƯ Đảng, Bộ Chính trị và Thành ủy; tổ chức nhiều lớp phổ biến quán triệt, đào tạo, bồi dưỡng cho các tuyên truyền viên, cộng tác viên trong lĩnh vực tuyên giáo...
Công tác giáo dục lý luận chính trị được triển khai bài bản, nghiêm túc, khoa học, phù hợp với đối tượng cũng như yêu cầu thực tiễn. Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đã thực hiện tốt việc tổng kết, sơ kết các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy.
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo cũng đã có nhiều cố gắng trong tuyên tuyền vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc. Đó là một trong những yếu tố để phát triển bền vững, giữ bình yên cho Thủ đô.
"Năm 2017 là năm đầu tiên Hà Nội triển khai thực hiện 2 quy chế ứng xử. Kết quả ban đầu trong khối cán bộ, công chức, viên chức, cùng với thực hiện cải cách hành chính đã tạo sự chuyển biến trong đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, vẫn còn những "hạt sạn". Việc triển khai chưa thành phong trào rộng lớn, đâu đó còn hình thức, chưa đi vào đội ngũ cán bộ, công chức. Nhiều người chưa cảm thấy mình có trách nhiệm với người dân thành phố và cả nước" - Bí thư Hoàng Trung Hải nhận xét về các hạn chế trong khâu vận động, tuyên truyền thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử.
| ||
Với 8 hạn chế và 6 giải pháp khắc phục mà Ban Tuyên giáo Thành ủy đã nêu, Bí thư Thành ủy nhận định, Ban đã thể hiện sự nghiêm túc và thẳng thắn trong xác định vai trò, nhiệm vụ của mình.
Về các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2018, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, biến động kinh tế, chính trị trong khu vực và thế giới phức tạp, nhiệm vụ công tác tuyên giáo ngày càng quan trọng.
Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy đề nghị cán bộ ngành Tuyên giáo thành phố nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, từ đó nâng cao, trau dồi đạo đức, năng lực trình độ, xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện chủ động, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ đã đặt ra; tăng cường dự báo tình hình, những vấn đề bức thiết trong cuộc sống để định hướng, nắm bắt tư tưởng dư luận xã hội.
Thực hiện Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020 gắn với việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử, Bí thư Thành ủy cho biết tới đây sẽ họp Ban chỉ đạo Chương trình để cụ thể hoá nhiệm vụ, phổ biến tới từng người dân, từng khu dân cư, không để việc thực hiện mang tính hình thức và chỉ ở cấp thành phố.
"Đây là nhiệm vụ đòi hỏi phải làm một cách căn cơ hơn nhiều. Thành phố đã làm nhiều năm, nhiều lần nhưng chưa thực sự đi vào nếp văn hoá của người dân" - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng và những vấn đề bức xúc trong nhân dân, theo đồng chí Hoàng Trung Hải, không chỉ Ban Tuyên giáo Thành ủy, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức của thành phố cùng thực hiện. Tuy nhiên, theo Bí thư, việc tổng hợp thông tin, phân loại và phân công nhiệm vụ giải quyết mới là vấn đề quan trọng.
Bí thư nêu vấn đề: "Có dư luận phức tạp không thể giải quyết ngay được, nhưng bao nhiêu ngày thì có người giải quyết? Mỗi khi có dư luận như vậy thì ai chịu trách nhiệm? Do đó, cần phân cấp dư luận xã hội. Đối với từng loại đều phải có phân công xử lý, thời hạn và trách nhiệm xử lý".
Với trách nhiệm tham mưu cho báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa giáo, Ban Tuyên giáo đã thực hiện bài bản nhưng thời gian tới vẫn cần nâng cấp thêm.
"Báo chí cần giới thiệu nhiều gương người tốt, việc tốt, và kể cả các gương xấu, những hành động không thanh lịch, văn minh cũng phải được nêu ra, đó là yếu tố giáo dục tốt nhất, để người dân bình thường cũng có thể phê phán được" - Bí thư Thành ủy lưu ý.