Bứt phá xuất khẩu đầu năm

Kinh tế - Ngày đăng : 07:23, 02/03/2018

(HNM) - Năm 2018 mới qua 2 tháng nhưng nhiều lĩnh vực đã có sự bứt phá, điển hình là xuất khẩu. Tiếp đà tăng trưởng năm 2017, hoạt động xuất khẩu đang diễn ra suôn sẻ, với tốc độ tăng khá ấn tượng.

Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty Vegetexco (tỉnh Bình Phước). Ảnh: HỒNG CÚC


Tiếp đà tăng trưởng

Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2018, cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 33,6 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cũng đưa Việt Nam tiếp tục đứng ở vị thế xuất siêu trong giao thương, với mức thặng dư là 1,67 tỷ USD. Phần lớn thị trường quan trọng, giàu sức mua như Mỹ, Nhật Bản, ASEAN, EU và Trung Quốc đều duy trì mức nhập khẩu hàng Việt. Như vậy, thực tế đang thể hiện rõ diễn biến khả quan trong hoạt động xuất khẩu nói chung và hé mở khả năng nước ta sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch của cả năm nếu không có khó khăn lớn bất ngờ xảy ra.

Một thực tế đáng mừng là, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đã đạt 6,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng nông sản Việt đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu với điểm nhấn là những loại quả có giá trị cao, phù hợp nhu cầu của thế giới như xoài, thanh long, dứa, nhãn, hạt điều... Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đẩy nhanh tốc độ gia tăng tỷ lệ sản phẩm qua chế biến, hướng tới giá bán cao hơn, đồng thời kết hợp làm tốt yêu cầu bảo đảm minh bạch xuất xứ hàng hóa - theo yêu cầu của các đối tác nhập khẩu. Từ năm ngoái đến nay, phong trào mở rộng đầu tư, xây dựng trang trại nhằm sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế lan rộng trên phạm vi lớn, tại các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long... và thu được kết quả rất khả quan.

Cộng đồng doanh nghiệp đã chuẩn bị chu đáo để thực hiện xuất khẩu ngay từ đầu năm. Đơn cử, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã khai xuân với việc xuất khẩu 500 container hàng nông sản và thủ công mỹ nghệ. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Nguyệt xác nhận, thị trường đang diễn biến thuận lợi và đơn vị đã có đơn hàng ngay từ đầu năm. Hai tháng qua, Công ty đã hoàn thành việc xuất khẩu 45 nghìn áo sơ mi và quần âu cho đối tác...

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thời gian qua Việt Nam đã chủ động vào cuộc và làm tốt công tác chuẩn bị cho hội nhập quốc tế, tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, quá trình chuẩn bị càng kỹ lưỡng và chủ động bao nhiêu sẽ mang lại hiệu quả tích cực bấy nhiêu, đồng thời sẽ mang lại lợi ích tổng hợp cho nền kinh tế quốc gia. Những năm gần đây, kết quả xuất khẩu luôn đạt mức tăng trưởng cao và xuất khẩu thật sự trở thành đầu ra cho sản phẩm nội địa cũng như là động lực của nền kinh tế.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa đề cập đến cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như một thời cơ để hiện thực hóa, rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa nền kinh tế. Bộ Công Thương cũng đánh giá, nhìn chung xu hướng phục hồi kinh tế và khả năng tiêu dùng của thế giới đang có biểu hiện tích cực, khiến nhu cầu có thể tăng hơn so với năm 2017 và đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt thực hiện xuất khẩu.

Chủ động ứng phó và hội nhập

Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu không hẳn thuận lợi nếu không khắc phục một số bất lợi, hạn chế vốn có. Đó là tình trạng một số nhóm hàng đã được khai thác đến ngưỡng, hầu như không còn dư địa, cần được thay thế bằng giải pháp tăng cường chất lượng thay vì số lượng như trước.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không thể dựa mãi vào số lượng hàng hóa xuất khẩu nên doanh nghiệp Việt phải tìm cách trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam. Muốn giải quyết vấn đề này, giải pháp là ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất… Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu không sẵn sàng để thay đổi trong cách tiếp cận và triển khai bài bản thì sẽ không có sự bứt phá để tạo sức bật mang tính cách mạng về sức mạnh xuất khẩu của nền kinh tế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cảnh báo doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến trên thị trường thế giới, nhất là nắm bắt dấu hiệu về việc áp dụng hàng rào kỹ thuật, chính sách bảo hộ sản xuất trong nước của những đối tác lớn để kịp thời có điều chỉnh phù hợp. Các vụ khiếu kiện, tranh chấp thương mại được một số nước sử dụng như biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu vẫn có nguy cơ xảy ra, đặc biệt với hàng nông, thủy sản. Điều này cần được quan tâm, trước hết là từ Bộ Công Thương - với đội ngũ tham tán thương mại và cơ quan thương vụ là nòng cốt.

Về phía mình, doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực đầu tư thay đổi công nghệ, nâng cấp chất lượng sản phẩm, chủ động triển khai hoạt động quảng bá hình ảnh bên cạnh việc sớm thiết lập bộ phận chuyên trách ứng phó, giải quyết các vấn đề khiếu kiện, tranh chấp thương mại để bảo đảm hiệu quả xuất khẩu trong tương lai...

Hồng Sơn