Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh
Chính trị - Ngày đăng : 07:15, 04/03/2018
Tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân
- Chủ đề “Năm Dân vận chính quyền 2018” được Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
- Phương hướng thực hiện công tác dân vận trong năm nay đã được Ban Dân vận Trung ương xác định rất rõ, là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tham mưu cho Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng lãnh đạo thực hiện công tác dân vận; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Ngoài nhiệm vụ vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, Ban Dân vận Trung ương xác định chủ đề công tác năm 2018 là “Năm Dân vận chính quyền” nhằm thúc đẩy, tăng cường hơn nữa công tác dân vận của chính quyền, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, chủ đề công tác của TP Hà Nội là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ của Trung ương và thành phố, Ban Dân vận Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện tốt chủ đề công tác. Mục tiêu đặt ra là nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong mối quan hệ của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp từ thành phố tới cơ sở với người dân; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
- Trong phương hướng hoạt động của mình, Ban Dân vận Thành ủy sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ quan trọng bên cạnh việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả và chất lượng tham mưu với cấp ủy Đảng về công tác dân vận. Cụ thể, đó là những nhiệm vụ gì?
- Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 của Thành ủy về “Ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”. Trong năm 2017, Quyết định số 2200-QĐ/TU đã được triển khai thực hiện tại 29/30 quận, huyện, thị xã. Mục tiêu mà Ban Dân vận Thành ủy đặt ra trong năm nay là tham mưu để tất cả các quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn đều thực hiện.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là chúng tôi tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai có hiệu quả Quyết định 522/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội, từ đó tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong mối quan hệ của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp từ thành phố tới cơ sở với người dân.
Nhiệm vụ thứ ba là tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 6525-QĐ/TU ngày 25-9-2015 của Thành ủy Hà Nội về “Việc ban hành quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn TP Hà Nội”. Trên thực tế, hệ thống văn bản pháp lý về vấn đề này đã được TP Hà Nội ban hành đồng bộ. Vì vậy, nhiệm vụ của năm nay là đưa chủ trương này vào cuộc sống và phủ kín việc thực hiện đến từng cơ sở.
- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” cho thấy, việc bám dân, gần dân, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của nhân dân chính là mấu chốt thành công của công tác dân vận. Đồng chí suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận luôn là kim chỉ nam để những cán bộ làm công tác dân vận vận dụng trong thực tiễn. Năm 2017, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đã nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động theo hướng bám sát cơ sở; tham mưu kịp thời cho Thành ủy và cấp ủy các cấp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, bảo đảm hiệu quả cao.
Đơn cử, Ban Dân vận Thành ủy đã phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả Quyết định số 2200-QĐ/TU. Qua đó, đoàn thể các cấp đã tổ chức 3.519 cuộc giám sát; Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn đã giám sát 17.462 cuộc, tổ chức 1.374 hội nghị phản biện. 29/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức 72 cuộc đối thoại; 468/584 xã, phường, thị trấn tổ chức 606 hội nghị đối thoại.
Thực tế cho thấy, hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đã giải quyết kịp thời kiến nghị, vướng mắc của người dân, qua đó góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Từ những kết quả đạt được, tại Kế hoạch phối hợp thực hiện “Năm Dân vận chính quyền 2018” giữa Ban Dân vận Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội, hai bên đã xác định rõ những nhiệm vụ sẽ triển khai trong năm nay. Cụ thể, Ban Dân vận Thành ủy sẽ hướng dẫn, đôn đốc Ban Dân vận các quận, huyện, thị ủy phối hợp với UBND cùng cấp ký kết kế hoạch phối hợp công tác thực hiện “Năm Dân vận chính quyền 2018”.
Bên cạnh đó, Ban sẽ phối hợp với MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh.
Đặc biệt, Ban Dân vận Thành ủy sẽ phối hợp với các ban Đảng Thành ủy, tăng cường nắm bắt thông tin từ cơ sở, những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, bức xúc mà nhân dân đang quan tâm, những điểm “nóng” để tham mưu cho cấp ủy các cấp giải quyết kịp thời. Để làm được điều đó, Ban Dân vận Thành ủy chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, người làm công tác tuyên truyền miệng tại cơ sở.
Giải quyết dứt điểm bức xúc của nhân dân từ cơ sở
- Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của Ban Dân vận Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trên thực tế vẫn còn những cán bộ không sát dân, xa dân, nhũng nhiễu, tiêu cực, mất uy tín với nhân dân. Đồng chí cho biết ý kiến về vấn đề này cũng như những giải pháp của Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội nhằm khắc phục tồn tại trong công tác dân vận trên địa bàn Thủ đô?
- Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội, nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân đã tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thiết thực vào kết quả toàn diện của đất nước và Thủ đô. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số nơi, một số việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách còn chậm, có việc thực hiện chưa sát với thực tế; nhiều bức xúc của người dân chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng. Trong một số việc cụ thể, cán bộ dân vận chưa kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết những phát sinh trong nhân dân…
Để khắc phục những hạn chế, trong năm nay, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội sẽ tăng cường đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về công tác dân vận. Bên cạnh đó, Ban sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân vận. Đặc biệt, Ban sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đông đảo tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao giữa người dân và chính quyền cơ sở.
- Để triển khai hiệu quả “Năm Dân vận chính quyền 2018”, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội có kiến nghị, đề xuất gì nhằm nâng cao chất lượng công tác dân vận, gắn với xây dựng Chính phủ “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”, thưa đồng chí?
- Triển khai “Năm Dân vận chính quyền 2018”, bên cạnh việc nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong ứng xử, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức khi tiếp xúc trực tiếp với công dân, Ban Dân vận Thành ủy mong muốn các sở, ban, ngành thành phố; chính quyền các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ công khai minh bạch những quy định về các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho nhân dân. Cùng với đó, cần kịp thời giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc của người dân ngay từ cơ sở, hạn chế phát sinh điểm “nóng”.
Bên cạnh việc triển khai, thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Dân vận Thành ủy kiến nghị các cơ quan, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, chủ động giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tôn giáo ngay tại cơ sở. Ban cũng kiến nghị các đơn vị liên quan tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy với công tác giám sát, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả “Năm Dân vận chính quyền 2018”.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!