Thời tiết giao mùa - “sứ giả” của dịch bệnh

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:59, 05/03/2018

(HNM) - Miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết giao mùa, không khí ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm mốc, vi rút, vi khuẩn phát triển, số bệnh nhân gia tăng.


Bệnh nặng do sai lầm của cha mẹ

Những ngày này, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khám cho khoảng 400-500 trẻ/ngày, trong đó có nhiều trẻ phải nhập viện do viêm đường hô hấp, viêm phổi nặng, viêm tiểu phế quản, cúm… PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, kiểu thời tiết sáng sớm mưa phùn, trưa, chiều hửng nắng và đêm trở lạnh khiến trẻ nhỏ - đối tượng có sức đề kháng kém - dễ bị nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp, thậm chí bệnh tái đi tái lại nhiều lần.

Tiêm chủng theo quy định góp phần ngăn ngừa dịch bệnh cho trẻ em. Ảnh: linh ngọc


PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng dẫn chứng, có trường hợp chỉ trong vòng 1 tháng phải nhập viện tới 3 lần do bị viêm đường hô hấp trên. Thế nhưng, với trường hợp này, mỗi lần trẻ vào bệnh viện là các bác sĩ lại đưa ra phác đồ điều trị, đơn thuốc khác nhau. Chẳng hạn, ở lần đầu, trẻ nhiễm vi khuẩn và phải dùng kháng sinh, nhưng đến đợt sau, bệnh tái phát do nhiễm vi rút nên phải dùng thuốc khác chứ không thể cho trẻ uống kháng sinh nữa... Thế nhưng, không phải phụ huynh nào cũng hiểu điều đó.

“Việc phân biệt bệnh do vi khuẩn hay vi rút gây ra là vô cùng quan trọng, bởi có xác định rõ nguyên nhân thì mới có cách điều trị đúng. Đa số bệnh về hô hấp đều do vi rút gây ra, vì vậy, việc dùng thuốc kháng sinh là vô ích. Nếu lạm dụng kháng sinh quá mức sẽ vô tình tiêu diệt vi khuẩn có lợi, để lại vi khuẩn mang gien kháng thuốc nên cơ thể dễ bị tấn công, bệnh hay tái phát”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

Một sai lầm nữa là khi trẻ mắc viêm đường hô hấp trên hay viêm đường hô hấp dưới đều kèm theo những cơn ho, nhiều phụ huynh khi đưa con đến khám chỉ mong bác sĩ kê đơn thuốc trị ho khẩn cấp. Trong khi đó, chính những cơn ho lại giúp tống dịch nhầy, đờm… ra ngoài cơ thể, giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn. Chính vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, cha mẹ cần bình tĩnh khi trẻ bị ho, không tùy tiện mua thuốc. Tùy vào đặc tính của cơn ho và bệnh mà trẻ đang mắc, các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.

Thời tiết nồm, ẩm như hiện nay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển với tốc độ lây lan nhanh. Vì quá lo lắng, lại nghĩ đơn giản nên không ít người dân tự ý tìm mua thuốc Tamiflu về để điều trị bệnh cúm.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng cần dùng Tamiflu. Với loại thuốc này, tốt hơn cả là dùng đúng theo chỉ định của các bác sĩ. Trẻ mắc cúm mùa, nếu được chăm sóc tốt tại nhà sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày; khi cần, nên tìm cách hạ sốt cho trẻ bằng thuốc mà bác sĩ chỉ định chứ không nên tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm cá nhân.

“Với một số trẻ mắc cúm, cha mẹ thường cho con uống thuốc kháng sinh mà không biết rằng dùng loại thuốc này trong điều trị cúm là vô tác dụng”, bác sĩ Đỗ Thiện Hải khẳng định.

Thời tiết giao mùa cũng khiến nhiều người mắc bệnh hen, đặc biệt là cơn hen cấp ở người có tiền sử bệnh hen. Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) kể, mới đây, các bác sĩ tiếp nhận một bệnh nhi 9 tuổi (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tổn thương não không thể hồi phục. Nguyên nhân là bệnh nhi đi chơi nhưng cha mẹ quên mang theo thuốc dự phòng để cắt cơn hen. Khi bệnh nhi lên cơn hen cấp, có biểu hiện khó thở, gia đình quay về nhà lấy khí dung để hỗ trợ đường thở nhưng không kịp. Bệnh nhi rơi vào tình trạng ngưng tuần hoàn, tím tái và ngất xỉu.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố ghi nhận 52 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 19 trường hợp mắc sởi và 12 trường hợp mắc tay chân miệng.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời tiết giao mùa, nhất là trong giai đoạn chuyển từ mùa xuân sang hè dễ làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng… Để tránh lây nhiễm chéo, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức phân tuyến điều trị. Cùng với đó là tập trung nguồn lực thu dung, điều trị bệnh nhân, không để tình trạng chuyển tuyến đối với các bệnh nhân nằm trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm chéo.

Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã chỉ đạo trạm y tế các xã, phường, thị trấn tiếp tục tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi, đồng thời tổ chức tốt các buổi tiêm chủng thường xuyên theo quy định.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh ngay tại gia đình, nhất là khi thời tiết nồm ẩm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: Cha mẹ phải thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ dùng để hạn chế vi khuẩn, nấm mốc trong môi trường sống. Cần đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà, thường xuyên lau khô sàn nhà, tuyệt đối không được mặc quần áo ẩm cho trẻ. Khi đi ngủ, cần cho trẻ mặc quần áo thoáng khí, tránh ra mồ hôi dễ gây viêm phổi.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên cho trẻ vận động, luyện tập thể thao. Với những bệnh có thể phòng chống bằng vắc xin thì cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Khi trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh tuyệt đối không tự kê đơn kháng sinh cho con. Điều này rất nguy hiểm, khiến bệnh dai dẳng, khó điều trị về sau này.

Xuân Lộc