Băn khoăn về diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú
Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 05/03/2018
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quy định đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở thuê (hoặc mượn, ở nhờ) là diện tích bình quân cho mỗi người phải đạt 20m2, không phân chia khu vực nội hay ngoại thành. Theo Sở Xây dựng, sở dĩ cơ quan này đề xuất như vậy là bởi thành phố đang phải chịu áp lực dân số quá đông, trong khi hạ tầng không theo kịp.
Hiện dân số sinh sống thường xuyên trên địa bàn thành phố lên tới khoảng 13 triệu người, trong đó có 8 triệu người thường trú, khoảng 5 triệu người tạm trú. Kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 có hiệu lực (từ 1-1-2014) quy định diện tích nhà ở bình quân tối thiểu để đăng ký thường trú do HĐND tỉnh, thành phố quyết định theo đặc thù của từng địa phương, thì việc nhập hộ khẩu ở TP Hồ Chí Minh có đôi lúc bị gián đoạn.
Nguyên nhân là quy định diện tích nhà ở bình quân tối thiểu theo quy định mới đến nay vẫn chưa được HĐND thành phố thông qua. Với áp lực hạ tầng hiện nay, nếu tiếp tục áp dụng diện tích tối thiểu 5m2 sàn/người theo Luật Cư trú 2006 thì dân số sẽ đổ dồn vào trung tâm, gây nên tình trạng hạ tầng không thể đáp ứng được.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, đề xuất diện tích ở tối thiểu 20m2 sàn/người mới được đăng ký hộ khẩu phù hợp với tiêu chí phấn đấu đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020: Đến cuối năm 2020, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu mét vuông và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8 m2/người. Đề xuất này sẽ được đưa ra xem xét tại kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh bất thường diễn ra trong quý I-2018.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa, thành phố sẽ tính toán hợp lý với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân. Đề xuất quy định mới về diện tích nhà ở tối thiểu để nhập hộ khẩu sẽ không áp dụng đối với các trường hợp đăng ký tạm trú có thời hạn, cũng không áp dụng đối với các trường hợp quan hệ vợ chồng hay quan hệ ruột thịt trong gia đình có nhu cầu về ở chung với nhau.
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế), TP Hồ Chí Minh đang xây dựng đô thị hiện đại, thông minh, từng bước chỉnh trang đô thị. Thành phố cũng đang thu hút người tài, có tri thức, tay nghề cao để đáp ứng các ngành kinh tế mũi nhọn, những ngành có kỹ thuật, công nghệ cao. Chính vì vậy, quy định diện tích nhà ở tối thiểu như trên không đáng lo ngại.
"Với áp lực hạ tầng như hiện nay, thành phố không khuyến khích người nhập cư có tay nghề thấp, có thu nhập thấp. Mà những người có năng lực, đóng góp nhiều cho thành phố thì thu nhập của họ phải cao, qua đó nhà ở của họ cũng phải có diện tích lớn", Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nêu quan điểm.
Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng, hàng triệu người có nhu cầu nhập hộ khẩu sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu diện tích ở tối thiểu trên. Nên chăng cần quy định diện tích ở tối thiểu có sự chênh lệch theo khu vực ngoại thành (5 huyện, mật độ dân số bình quân chỉ hơn 1.000 người/km2) và khu vực nội thành (19 quận, mật độ dân số bình quân lên đến hơn 13.000 người/km2).
Trong khi đó, xu hướng nhập hộ khẩu vào 19 quận nội thành chiếm tỷ lệ rất cao (hơn 95%). Do đó, nếu quy định diện tích ở tối thiểu ở các quận nội thành cao hơn các huyện ngoại thành sẽ góp phần giãn dân số khu vực trung tâm.