Chỉ xét mua nhà ở xã hội đối với vợ hoặc chồng
Bất động sản - Ngày đăng : 10:33, 06/03/2018
Ngày 6-3, Tập thể UBND TP Hà Nội đã họp định kỳ tháng 3. Tại phiên họp, nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra thảo luận và thông qua.
Với nội dung về ban hành quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Hà Nội do Sở Xây dựng trình bày, tập thể UBND thành phố thống nhất việc phê duyệt Quyết định ban hành quy định trên.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp. |
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc ban hành Quyết định quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP về quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội là cần thiết. Bởi vì trước đây, UBND thành phố có Quyết định 97 và Quyết định 35 về quản lý nhà cũ nhưng hai quyết định này được xây dựng trước khi có Nghị định 99 của Chính phủ và Thông tư 19 của Bộ Xây dựng nên có một số điều không còn phù hợp.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, người thuê, mua bắt buộc phải có hộ khẩu Hà Nội để thuận tiện cho quản lý. Về trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước về quản lý nhà ở cho phép đơn vị, cá nhân thuê bỏ tiền để sửa chữa sau đó sẽ được hoàn lại, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, trường hợp này phải được đưa ra xét duyệt có trình tự, thủ tục do UBND thành phố ban hành và Sở Xây dựng chủ trì, tùy trường hợp, để thẩm định, xác định, sau này làm căn cứ, tránh không quản lý được và khấu trừ tiền thuê nhà không đúng.
Đối với nhà ở cũ đã được xây dựng lại, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung không đồng ý giao cho quận, huyện mà phải do Sở Xây dựng quản lý vì nếu quận, huyện quản lý, nhiều đất nông nghiệp có khả năng bị “biến” thành đất ở bởi hiện len lỏi trong các quận còn nhiều khu đất thuộc quyền quản lý của HTX, nếu buông lỏng sẽ không quản lý được.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu, từ nay đến khi có Quyết định mới, việc quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố thực hiện theo đúng Nghị định 99 và Thông tư 19.
Liên quan đến quy định quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội, sau khi nghe các ý kiến thảo luận, tập thể UBND thành phố đã nhất trí thông qua quy định này.
Nhà ở xã hội được phát triển từ nguồn ngân sách, từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất trên 10 ha, hình thành khu đô thị tập trung nhà ở xã hội. Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định, việc ban hành quy định là rất cần thiết vì hiện quy định về quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn còn lỏng lẻo.
Đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội vẫn chưa có quy định chặt chẽ. Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, về tiêu chuẩn các đối tượng, phải là những đối tượng không có điều kiện mua nhà ở thuộc phân khúc nhà ở thương mại giá trị cao, chỉ có thể mua nhà ở với giá được hỗ trợ theo tiêu chuẩn nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, “nếu gia đình có hai vợ chồng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội thì chỉ xét vợ hoặc chồng, vì thời gian qua có trường hợp hai vợ chồng làm ở hai cơ quan khác nhau, đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội, cả hai vợ chồng đều đăng ký mua”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung lưu ý.
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho rằng, đã là nhà ở xã hội thì không phân biệt nguồn vốn nhà nước hay nguồn vốn tư nhân, trình tự thủ tục phải như nhau. Thành phố phải xây dựng Cổng thông tin điện tử, trong đó công khai rõ các tiêu chuẩn được mua nhà ở xã hội. Dựa trên các tiêu chuẩn đó, người mua nhà đăng ký và phải chịu trách nhiệm với việc đăng ký của mình. Sở Xây dựng sẽ xem xét, thẩm định, nếu ai đăng ký không đúng tiêu chuẩn sẽ bị loại.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng nên khuyến khích đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội đóng tiền “một cục” nếu như kinh tế gia đình họ phát triển lên.