Hiệu quả kép từ công tác tiếp dân

Chính trị - Ngày đăng : 07:12, 06/03/2018

(HNM) - Hoạt động tiếp công dân được HĐND các cấp TP Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của đại biểu dân cử.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trong một buổi tiếp công dân. Ảnh: Duy Linh


Nắm bắt nhiều nguồn thông tin

Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, đại biểu HĐND thành phố và quận, huyện, thị xã duy trì đều đặn việc tiếp công dân nơi mình ứng cử. Chỉ tính riêng năm 2017, đã có 484 lượt đại biểu HĐND thành phố tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý hơn 500 vụ việc; gần 2.000 lượt đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý hơn 3.000 vụ việc liên quan các lĩnh vực kinh tế - xã hội và những vấn đề bức xúc ở địa phương.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, tại các buổi tiếp dân, đại biểu HĐND đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật tới công dân. Đây cũng là dịp để đại biểu lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị và hướng dẫn công dân thực hiện đúng quy định, đồng thời tiếp nhận đơn, thư chuyển đến các cơ quan thẩm quyền giải quyết. Thông qua tiếp công dân, đại biểu còn nắm bắt thêm thông tin, mở rộng vấn đề và có thể làm dẫn chứng phục vụ hoạt động khảo sát, giám sát, chất vấn tại kỳ họp.

Có thể thấy rõ hiệu quả từ hoạt động tiếp công dân của thành viên Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội trong thời gian qua. Qua các buổi tiếp công dân định kỳ, thành viên Ban Pháp chế nắm rõ một số vụ việc mâu thuẫn, vướng mắc ở cơ sở, chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm, gây phát sinh đơn, thư khiếu kiện phức tạp... để làm ví dụ minh họa trong các đợt giám sát chuyên đề về hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, việc thực hiện kết luận sau thanh tra công vụ ở một số nơi còn chậm; nhiều quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo cũng chậm nên mới phát sinh thêm đơn, thư. Ngoài ra, nhiều vụ việc đã được các cơ quan thụ lý giải quyết, nhưng kéo dài, người dân nóng lòng nên tiếp tục có đơn xin trình bày vào những ngày tiếp dân hằng tháng, hằng quý của đại biểu. Số này tập trung ở các quận, huyện: Hà Đông, Đống Đa, Phú Xuyên... Đơn cử, vụ việc bà Trương Thị Liên ở 78 phố Vọng (phường Phương Mai, quận Đống Đa) có đơn khiếu kiện công trình xây dựng không phép ở 76 phố Vọng của gia đình bà Huỳnh Thu Lan. Do các cơ quan chức năng của quận Đống Đa và phường Phương Mai chậm xử lý, giải tỏa, khiến người dân bức xúc, tiếp tục gửi đơn.

Cấp xã phải tích cực hơn


Thực tế cho thấy, hoạt động tiếp dân của HĐND thành phố, các quận, huyện, thị xã có hiệu quả rõ nét, song đối với HĐND cấp xã, phường, thị trấn, công tác này duy trì chưa đồng đều. Một số nơi chưa phân rõ nội dung vụ việc, sổ ghi chép giữa nội dung tiếp công dân và sổ nhận đơn, thư không tách riêng; bố trí lịch tiếp dân giữa Thường trực HĐND và UBND.

Qua đợt kiểm tra hoạt động của Thường trực HĐND các phường mới đây, Thường trực HĐND quận Tây Hồ nhận thấy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn những điểm cần rút kinh nghiệm. Cụ thể như, Thường trực HĐND phường Quảng An ghi lẫn sổ trực tiếp công dân với sổ nhận đơn, thư. Thường trực HĐND phường Yên Phụ chưa hoàn thiện hệ thống sổ sách trực tiếp dân của các tổ đại biểu. Thường trực HĐND các phường: Phú Thượng, Quảng An, Tứ Liên bố trí trùng lịch tiếp công dân giữa Thường trực HĐND với UBND.

Ngoài ra, ở huyện Hoài Đức, cũng do đại biểu HĐND cấp xã dành ít thời gian cho công tác tiếp công dân, nắm bắt các kênh thông tin hạn chế, nên ít phát biểu thảo luận, chất vấn... Ở hai huyện Gia Lâm và Mỹ Đức, đại biểu HĐND cấp xã chưa chú trọng công tác tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển và đôn đốc giải quyết đơn, thư trên địa bàn.

Tiếp công dân là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND các cấp đã được Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định. Vì thế, mỗi đại biểu HĐND các cấp TP Hà Nội cần nâng cao trách nhiệm thực hiện tiếp công dân định kỳ; tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo. Phó Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Phạm Thị Kim Oanh cho rằng: “Chỉ khi tích cực lắng nghe, giải quyết đơn, thư, đối thoại trực tiếp với nhân dân mới hạn chế được đơn, thư vượt cấp, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội”.

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh, ngoài nắm bắt từng vụ việc qua tiếp công dân, mỗi đại biểu cần tăng cường giao ban theo nhóm, nắm bắt tổng hợp kiến nghị của cử tri, từ đó nâng cao hoạt động giám sát. Đáng lưu ý, mỗi đại biểu phát huy tốt vai trò dân cử, không chỉ tiếp nhận thông tin, vụ việc, mà còn hướng dẫn để nhân dân khiếu kiện đúng quy định của pháp luật, tránh vượt cấp, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Việt Tuấn