Trách nhiệm không của riêng ai!
Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 07/03/2018
Cảnh báo nguy cơ bị quấy rối tình dục
Ở những nơi công cộng, nếu không được bảo vệ, trẻ em gái thường gặp nhiều rủi ro, trong đó, nguy cơ bị quấy rối tình dục là vấn đề đáng lo ngại nhất. Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức ActionAid Việt Nam (tổ chức quốc tế chống đói nghèo) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, 87% trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục ở những nơi công cộng. Đối tượng quấy rối thường là nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 25 và từ 36 đến 55. Hình thức quấy rối phổ biến là trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm hoặc cố tình động chạm vào một bộ phận nhạy cảm trên cơ thể…
Bảo đảm an toàn cho trẻ em gái là trách nhiệm của toàn xã hội. Ảnh: Linh Ngọc |
Khảo sát tại một số trường trung học phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội do Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện cũng cho kết quả tương tự. “Hơn 63% học sinh cho biết, các em từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng, trong đó, tỷ lệ học sinh nữ bị quấy rối nhiều hơn học sinh nam. 11% khẳng định từng bị xâm hại, quấy rối tình dục trong nhà trường hoặc trên đường đến trường”, bà Lê Quỳnh Lan, quản lý Vùng dự án Hà Nội của Tổ chức Plan International Việt Nam phản ánh.
Kết quả khảo sát còn cho thấy sự thờ ơ của xã hội trước vấn nạn nhức nhối nói trên. Cụ thể, 67% phụ nữ và trẻ em gái không có bất kỳ hành động phản ứng nào khi bị quấy rối tình dục, 65% nam giới và người chứng kiến không dám can thiệp, hỗ trợ nạn nhân. Trong không gian nhỏ hẹp như xe buýt đang lưu thông, 20% số người chứng kiến hoàn toàn im lặng khi thấy trẻ em gái bị quấy rối tình dục... Nguyên nhân là vì nhiều người vẫn coi hành vi quấy rối, xâm hại tình dục là vấn đề nhạy cảm, nói ra sẽ bị mang tiếng xấu, bị trả thù hoặc nói không có ai tin. Một số khác lại cho rằng những lời chọc ghẹo trẻ em gái là chuyện cá nhân, không liên quan tới mình…
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) lý giải, thái độ thờ ơ trước các hình thức quấy rối tình dục ở nơi công cộng có nguyên nhân sâu xa từ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, do vấn đề bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới chưa được giải quyết triệt để… “Quấy rối, xâm hại tình dục đối với trẻ em gái ở những nơi công cộng đã và đang để lại hậu quả nặng nề cho nạn nhân, gia đình và xã hội. Vấn đề này cần được giải quyết càng sớm càng tốt”, ông Phạm Ngọc Tiến nhấn mạnh.
Xây dựng môi trường an toàn
Nhằm xây dựng môi trường an toàn đối với trẻ em gái, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam và một số cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện dự án “Thành phố an toàn cho trẻ em gái” tại Hà Nội giai đoạn 2013-2019. Sau hơn 4 năm triển khai, dự án đã tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho hơn 1.200 cán bộ giao thông; trang bị kỹ năng phòng, chống quấy rối tình dục cho hàng vạn trẻ em gái.
Dự án cũng góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho người dân Thủ đô bằng những hình thức sáng tạo. Điển hình là cuộc thi “Sản xuất phim ngắn về an toàn của em gái tại nơi công cộng và khi di chuyển trên phương tiện công cộng trong thành phố” - diễn ra từ tháng 10-2017 đến tháng 2-2018, thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên tham gia. Với cách tiếp cận vấn đề chân thực, sinh động, đa chiều, các tác giả truyền đi thông điệp “Hãy lên tiếng bảo vệ trẻ em gái” đến cộng đồng.
Theo Nguyễn Hồng Hoa và Phạm Linh Chi, học sinh lớp 12 D1, Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội), các em hiểu rằng môi trường an toàn đối với trẻ em gái chỉ có thể hình thành khi tất cả mọi người nói không với hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối trẻ em ở chốn riêng tư cũng như nơi công cộng, khi nạn nhân can đảm lên tiếng. Do đó, các em xây dựng phim “Chuyện của An” với nhân vật chính là cô bé tên An từng bị xâm hại tình dục, từng bị trầm cảm do người thân biết chuyện vẫn im lặng, do bị bạn bè xa lánh, cười chê. Nhờ sự chia sẻ, thấu hiểu của một người bạn, chỉ cần một người thôi cũng đủ giúp An từng bước vượt qua nỗi đau, tự tin vui sống, hòa nhập, trở thành chuyên gia tâm lý giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. “Phim “Chuyện của An” và những bộ phim ngắn mang thông điệp truyền thông ngay từ tiêu đề như “Một cái vỗ nhẹ”, “Chỉ một người lên tiếng”, “Tôi cũng có một người em gái”… đang lan truyền rộng rãi, chắc chắn sẽ chạm đến trái tim và làm thay đổi nhận thức của nhiều người về hành vi bạo lực, quấy rối tình dục trẻ em gái”, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) tin tưởng.
Song song với giải pháp tăng cường hiệu quả truyền thông, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” tại Quyết định số 3943/QĐ-UBND ngày 18-7-2016. Dự án này đang được thực hiện thí điểm tại xã Kim Chung (Đông Anh) - nơi có nhiều trẻ em gái nhập cư - trước khi nhân rộng. Ngoài ra, các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội đang tích cực mở rộng hệ thống chiếu sáng, tăng cường giải pháp bảo đảm an ninh tại những địa điểm công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng...
Hiệu quả của các dự án nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ em gái đã được kiểm chứng, nhưng chưa được triển khai rộng rãi. Trước tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, mong rằng những dự án này sớm được triển khai trên diện rộng.