Quan hệ liên Triều đang ấm dần lên
Thế giới - Ngày đăng : 06:15, 08/03/2018
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) gặp đoàn đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sang thăm Triều Tiên ngày 6-3. |
Thông tin từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 6-3 cho biết, phái đoàn cấp cao nước này vừa kết thúc chuyến thăm Bình Nhưỡng, nơi họ đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Chuyến thăm được đánh giá là bước tiến "đột phá" với việc hai bên ấn định thời gian tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh, đồng thời đưa ra hàng loạt biện pháp cụ thể nhằm giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Chung Eui-yong cho biết, phía Bình Nhưỡng tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa nếu an ninh được bảo đảm, đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng đối thoại với Mỹ về phi hạt nhân hóa và bình thường hóa quan hệ. Đây là lần đầu tiên các quan chức Hàn Quốc thăm trụ sở chính của Đảng Lao động Triều Tiên, cũng là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Kim Jong-un đối thoại trực tiếp với giới chức Hàn Quốc kể từ khi ông nắm quyền năm 2011.
Mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên có dấu hiệu "tan băng" trong những tháng gần đây khi hai bên nối lại các cuộc đàm phán và Triều Tiên cử Đoàn vận động viên tới tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc. Sau sự kiện này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhìn thấy một “cơ hội mở”. Kể từ đó, ông tự đảm nhận vai trò làm "cầu nối", thuyết phục Washington và Bình Nhưỡng giảm bớt bất đồng.
Theo các nhà phân tích, việc Tổng thống Moon Jae-in cử Đoàn cấp cao tới Triều Tiên đã mở ra chính sách ngoại giao mới với những động thái tích cực giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhấn mạnh, thông qua chuyến thăm của đặc phái viên Hàn Quốc, Seoul hy vọng có thể thăm dò sâu hơn ý định của Bình Nhưỡng trong việc đàm phán với Washington.
Mặc dù mối quan hệ liên Triều có dấu hiệu tích cực, song Nhật Bản và Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng về quá trình đối thoại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Lâu nay Triều Tiên vẫn tuyên bố coi vũ khí hạt nhân là "con bài để đối phó" với mối đe dọa tấn công từ phía Mỹ. Bế tắc trong vấn đề hạt nhân nằm ở chỗ cả Mỹ và Triều Tiên đều không chịu nhượng bộ để có thể ngồi lại đàm phán. Do đó, dù Tổng thống Mỹ đã hoan nghênh những tuyên bố do Triều Tiên và Hàn Quốc đưa ra, nhưng ông chủ Nhà Trắng từ chối nói về vấn đề liệu ông có đặt ra điều kiện cho việc đàm phán với Bình Nhưỡng không.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố, Washington vẫn cam kết duy trì sức ép tối đa với Triều Tiên và lập trường này sẽ không thay đổi đến khi Bình Nhưỡng có bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa. Nhật Bản cũng khẳng định, Hàn - Mỹ - Nhật cần hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên và nước này sẽ không thay đổi chính sách “gây áp lực tối đa” với Bình Nhưỡng.
Một thách thức nữa với việc xúc tiến đối thoại là cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc sắp được nối lại vào giữa tháng 5 tới. Theo các nhà phân tích, dù Bình Nhưỡng vừa "bật đèn xanh" cho đàm phán về phi hạt nhân hóa nhưng sự kiện này có thể khiêu khích Triều Tiên dẫn đến cuộc đối thoại sẽ đi vào ngõ cụt.
Dẫu vậy, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao liên Triều đang “tan băng” thì bất kỳ diễn biến tích cực mới nào, dù là nhỏ cũng sẽ góp phần làm gia tăng cơ hội theo đuổi hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.