Chấn chỉnh an ninh hàng không
Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 08/03/2018
Kiểm tra an ninh đối với nhân viên bốc xếp hành lý tại sân bay. Ảnh: Tuấn Lương |
Những lỗ hổng đáng báo động
Sự cố uy hiếp nghiêm trọng tới an ninh, an toàn hàng không mới nhất xảy ra vào ngày 3-3, chuyến bay VN1265 từ Cảng hàng không quốc tế Vinh tới Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau khi xếp khách lên máy bay xong, tiếp viên trưởng phát hiện có một đối tượng lên máy bay nhưng không có thẻ hành khách nên đã phối hợp với nhân viên kiểm soát an ninh áp giải và bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý. Qua xác minh, đối tượng vi phạm được xác định đang điều trị bệnh tâm thần nên đã được lực lượng chức năng cho về nhà và không xử lý vi phạm hành chính.
Trong năm 2017 và giai đoạn đầu năm 2018 cũng xuất hiện không ít vụ việc gây uy hiếp an toàn bay như chiếu đèn laser khi máy bay đang cất, hạ cánh; hành khách đánh, cãi nhau hoặc giả mạo giấy tờ tùy thân để đi máy bay. Thậm chí có trường hợp hành khách đi nhầm hành trình và chỉ bị phát hiện khi đã "yên vị" trên máy bay chờ cất cánh...
Trong các vi phạm nói trên, phổ biến nhất là tình trạng giả mạo giấy tờ tùy thân để lên máy bay. Chỉ riêng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trong hai năm 2016 và 2017, mỗi năm, lực lượng an ninh phát hiện hàng chục vụ giả mạo giấy tờ. Việc dễ dàng đặt mua vé giá rẻ qua mạng được xác định là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người làm giả giấy tờ để tận dụng, hoặc vé của người không đi phải bỏ hay bán lại.
Trong nhiều trường hợp vi phạm còn có sự tư vấn, tiếp tay của các đại lý bán vé máy bay thứ cấp. Có rất nhiều hành khách đã cố tình mua lại vé, sau đó nhờ chính quyền địa phương xác nhận nhân thân đúng với tên tuổi trên vé.
Rà soát để có giải pháp quản lý hữu hiệu
Các vụ việc vi phạm đã bị lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Ngay sau mỗi vụ việc, Cục Hàng không Việt Nam đã điều tra, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan. Ngày 5-3, sau vụ việc xảy ra tại Cảng hàng không Vinh, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trong tháng 3-2018 tổ chức đánh giá lại toàn bộ công tác bảo đảm an ninh hàng không trên tất cả các cảng hàng không, sân bay để đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và tổ chức đào tạo, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chấp hành quy định của cán bộ, nhân viên; rà soát, đánh giá lại chương trình an ninh hàng không tại Cảng hàng không Vinh và một số cảng hàng không, sân bay khác để có giải pháp quản lý hữu hiệu. Cục cũng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp trong ngành Hàng không rà soát, sửa đổi, bổ sung (nếu có) chương trình, quy chế an ninh hàng không của đơn vị mình.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã không xảy ra tai nạn hàng không dân dụng, đây thực sự là một nỗ lực và thành quả rất lớn. Để ngành Hàng không duy trì và phát triển, an toàn luôn là ưu tiên số 1. Bảo đảm an ninh, an toàn hàng không là cả quá trình nên phải liên tục có các giải pháp yêu cầu nâng cao an toàn với quy trình quản lý hết sức chặt chẽ.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đã có chỉ đạo, ngay trong quý I-2018 phải thành lập Công ty An ninh hàng không trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trên nguyên tắc chuyển nguyên trạng lực lượng an ninh hàng không từ ACV sang.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thời gian qua, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị từng bước được đầu tư, lực lượng an ninh hàng không được chuẩn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong mô hình, thực trạng, cơ chế hoạt động và chất lượng đội ngũ nhân viên kiểm soát an ninh. Quá trình chỉ đạo, kiểm tra, giám sát điều hành của nhà chức trách hàng không còn qua nhiều khâu trung gian; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đồng bộ; lực lượng mỏng, chất lượng chưa đồng đều, đặc biệt tại các cảng hàng không cấp 2, cấp 3...