Làm gì để phát triển công nghiệp hỗ trợ?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 09/03/2018
Thực trạng trên lý giải vì sao sau 30 năm đầu tư vào Việt Nam, một số nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản đều tỏ ra thất vọng trước khả năng cung ứng linh kiện, phụ tùng đầu vào từ phía doanh nghiệp Việt Nam. Điều đó cũng lý giải vì sao hằng năm nước ta phải bỏ ra hàng chục tỷ USD để nhập khẩu các loại linh kiện, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, lắp ráp thành phẩm trong nước.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề chủ quan từ phía doanh nghiệp như thiếu vốn, thiếu khả năng du nhập và ứng dụng công nghệ cao, thiếu kiên trì, chất lượng nguồn nhân lực không tương xứng... Mặt khác, bản thân ngành công nghiệp hỗ trợ lại luôn đòi hỏi sự đầu tư đến ngưỡng, đủ tầm và đúng định hướng để có thể trở thành nhà cung cấp linh kiện cho đối tác với chất lượng cao. Nếu so với việc đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì hướng đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ rõ ràng là “xương xẩu” vì chậm thu hồi vốn cũng như tốn thời gian và trí tuệ...
Việt Nam đang thua kém hầu hết các nước ASEAN về số lượng và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của giới chủ doanh nghiệp. Song, quan trọng hơn là sự tập trung tuyên truyền, vận động doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, xác lập rõ định hướng cùng các biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Làm được như vậy chắc chắn ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển nhanh và lan tỏa hơn, đóng góp thiết thực vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhiều loại sản phẩm quan trọng như hàng điện tử, dệt may, điện thoại, ô tô...