Phải thay đổi nhận thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:03, 11/03/2018
Đó là đánh giá chính xác về lễ hội Xuân 2018. Những nghi thức gây phản cảm như chém lợn, cướp lộc đã được hạn chế hoặc loại bỏ, nhưng sắc màu mê tín dị đoan vẫn hiện hữu ở nhiều nơi, điển hình là tình trạng đốt vàng mã vô tội vạ cũng như nạn rải tiền lẻ trong di tích, khu vực tổ chức lễ hội. Điều đáng nói là biểu hiện cụ thể của hủ tục mà đằng sau đó là nạn “buôn thần bán thánh”, mê tín dị đoan, tâm lý ganh đua không chỉ xuất hiện trong nhiều lễ hội, mà còn có trong đời sống thường ngày, gây hậu quả khó lường. Thật đáng quan ngại khi không ít lễ hội ngày càng xô bồ, biến tướng, bởi yếu tố tâm linh đang bị thổi phồng để đánh vào lòng tham của con người. Người ta tin việc tranh cướp được lộc trong lễ hội sẽ mang lại may mắn, xin được ấn tín sẽ thăng quan tiến chức, thần thánh hóa từ cục đá đến con cá…
Rõ ràng là hủ tục, sự cuồng tín, mê muội đang gây hại cho cả cá nhân và cộng đồng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên là do nhận thức hạn chế của một bộ phận nhân dân. Thứ hai là do “quỷ kế” của những kẻ muốn trục lợi “thần thánh”, lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng để vẽ ra những chuyện không có thật, đẩy người dân vào vòng xoáy mê muội, cuồng tín. Thứ ba, là sự thiếu trách nhiệm, thiếu nhạy bén của chính quyền một số địa phương. Khi câu chuyện “hầu đồng” bị đẩy quá xa bản chất, trở thành phương tiện thu lợi bất chính của một số người; khi xuất hiện câu chuyện về hàng dài người cúi lạy… một cục đá; khi ai đó chìm trong vòng xoáy tà ma, quyết đeo một tấm bùa thay vì đến cơ sở y tế khi lâm bệnh, hoặc bằng mọi giá - kể cả sử dụng bạo lực - giành lấy cái gọi là “lộc thánh”…, chúng ta đã không can thiệp kịp thời, bằng cách tuyên truyền dựa trên cơ sở khoa học để đưa ra lời cảnh báo, tác động tới nhận thức của người dân và giúp họ kịp thời thoát ra khỏi cơn mê muội.
Mê tín khác với tín ngưỡng. Hủ tục không nằm trong chuỗi giá trị văn hóa truyền thống cần được tôn vinh. Những hậu quả khủng khiếp đã diễn ra, tự nó mang ý nghĩa cảnh tỉnh, nhưng sự cảnh báo đó không chắc có tác dụng đối với những ai đang chìm trong sự mê muội. Bởi vậy, để lễ hội nói riêng và đời sống văn hóa nói chung của cộng đồng diễn ra êm đẹp trong tương lai, điều cần có đầu tiên là tìm ra cách tuyên truyền hiệu quả nhằm giúp cộng đồng hiểu đúng về niềm tin, tín ngưỡng, giá trị văn hóa truyền thống. Như để bài trừ hủ tục, loại bỏ nạn đốt mã “một cách quá đáng”, thì phải dẫn gốc vấn đề để ai cũng hiểu rằng, theo quan niệm của người xưa, thần thánh nhận sự thành tâm từ người dâng cúng chứ không phải "mâm cao, cỗ đầy". Nói “tâm hương” cũng là vì thế...
Thay đổi nhận thức là hết sức quan trọng. Khi người dân không còn tin vào những điều kỳ quái không có thật, hiểu và thực hành quy ước về ứng xử văn minh khi tham gia lễ hội, thờ cúng…thì mê tín dị đoan và những kẻ “buôn thần bán thánh” mới không còn "đất sống".