Những nhà giáo truyền lửa

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:52, 11/03/2018

(HNM) - “Em vẫn tưởng trên đời này, người dành tình cảm nhiều nhất cho mình là người đã sinh thành và nuôi em khôn lớn. Nhưng càng lớn, em và bạn bè nhận ra rằng, khi ngồi trên ghế nhà trường, chúng em còn gặp những người yêu thương mình hết lòng....

Giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) giao học sinh đến tận tay phụ huynh sau buổi học. Ảnh: Anh Tuấn


Gương sáng người thầy

Năm 2017, cô giáo Kiều Thị Lệ Thủy (Trường THPT Yên Lãng, huyện Mê Linh) là giáo viên duy nhất của Hà Nội được Bộ Giáo dục - Đào tạo vinh danh, khen thưởng về những đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.
Trường THPT Yên Lãng nằm trên địa bàn xã Liên Mạc, huyện Mê Linh. Nơi đây, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều, đa số học sinh là con em gia đình nông dân, ngoài giờ học thường phải phụ giúp bố mẹ kiếm sống, thời gian dành cho việc học ít. Nhiều gia đình còn phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường, nên trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo khá nặng nề. Thế nhưng, ngôi trường này lại được nhiều người biết với những biệt danh như "ngõ thủ khoa", "trường thủ khoa"..., bởi những thành tích của học trò, nhất là về môn toán. Và đó cũng chính là "gia tài" lớn nhất của cô giáo Kiều Thị Lệ Thủy.

Sợ toán là điều thường gặp với không ít học sinh. Thế nhưng, lại có những ước mơ vươn xa chính từ tình yêu môn toán, bởi các em đã được truyền cảm hứng từ chính người dạy mình. Đó là chia sẻ của Phùng Thị Minh Ngọc - một trong hai học trò của cô Kiều Thị Lệ Thủy đã giành được học bổng đại học năm 2017. "Cô Thủy luôn khiến chúng em háo hức trước mỗi giờ học, bởi cô biết lồng ghép những tình huống hài hước, thực tế vào bài giảng. Chính vì thế, tiết học toán không còn khô khan mà trái lại, khiến chúng em dễ nhớ, lâu quên" - Phùng Thị Minh Ngọc chia sẻ. Điều đặc biệt, từ sự đam mê được cô Thủy truyền dạy, Phùng Thị Minh Ngọc đã cùng một người bạn lập ra một chương trình trên kênh Youtube dành riêng cho các em nhỏ, để truyền tải những bài học giáo dục ý nghĩa bằng cách vừa học, vừa chơi.

Ở cương vị quản lý nhà trường, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Đức (quận Hoàn Kiếm) khiến bao người cảm động, bởi sự chăm chút, quan tâm, thương yêu học trò như con mình. Hình ảnh người đứng đầu nhà trường, mái tóc đã điểm bạc với nụ cười thân thiện vẫy chào học sinh lúc xế chiều đã khiến bao trái tim tan chảy, làm nên hình ảnh đẹp về một ngôi trường của Thủ đô.

Không chỉ có vậy, đây còn là vị hiệu trưởng nổi tiếng của ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô, thường xuyên "vi hành" để ngăn chặn, nhắc nhở những học trò có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Thầy Bình nổi tiếng là người nghiêm khắc, cương nghị trong công việc, nhưng cũng lại vô cùng gần gũi với học sinh. Có lẽ, hiếm hiệu trưởng nào lại tự mình hóa trang thành chú gà trống, cùng nhảy múa và hát với học sinh toàn trường bài hát "Đàn gà con" một cách hào hứng và thân thiện trong lễ khai giảng năm học mới. Hình ảnh đáng yêu, gần gũi ấy đã xóa nhòa khoảng cách thầy - trò, tạo sự phấn khích và niềm tin, động lực cho học trò nỗ lực học tập, rèn luyện...

Họ là nhà giáo của nhân dân


Trên đây chỉ là hai trong số hàng vạn tấm gương nhà giáo Thủ đô đang ngày đêm miệt mài hoàn thiện mình, làm gương và truyền dạy cho các thế hệ tương lai những bài học làm người. Sự nỗ lực của mỗi nhà giáo đã tạo nên sức mạnh của toàn đội ngũ trong việc thực hiện nhiệm vụ, tác động tích cực đến chất lượng dạy và học ở mỗi nhà trường, góp phần tạo chuyển biến toàn diện của ngành Giáo dục Thủ đô, xứng đáng với vị thế “đầu tàu” về giáo dục trong nhiều năm qua.

Để có được kết quả ấy, ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, coi đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, là yếu tố giúp đội ngũ hoàn thành thắng lợi sứ mệnh "trồng người". Ngành Giáo dục Thủ đô đã phát động nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua với mục tiêu xây dựng chất lượng đội ngũ nhà giáo mẫu mực, từ đó lan tỏa ra toàn ngành. Hà Nội cũng là nơi khơi nguồn nhiều phong trào, cuộc vận động có ý nghĩa, tạo động lực, thôi thúc đội ngũ nhà giáo hoàn thiện mình về mọi mặt, trong đó có cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”, “Cô giáo - người mẹ hiền”, “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”…

Tiêu biểu có thể kể đến cuộc vận động "Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn" được phát động từ hơn chục năm nay. Cuộc vận động nhằm khơi dậy phẩm chất cao quý vốn có của đội ngũ nhà giáo Thủ đô, trở thành điểm tựa cho nhiều học sinh, giúp các em yên tâm tới trường và có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội. Từ đó đến nay, hàng nghìn học trò nghèo đã được thầy, cô giáo nhận đỡ đầu mỗi năm, góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học ở các nhà trường.

Tùy theo khả năng, điều kiện cụ thể, các thầy, cô giáo đã nỗ lực về cả công sức, thời gian, kinh phí, giúp cho học trò mình những điều kiện cơ bản nhất để các em yên tâm học tập. Nhiều người đã trích một phần lương tháng, người nhận mua học phẩm; không ít thầy, cô giáo còn đưa học sinh về nhà mình nuôi dạy, chăm sóc như con ruột... Khi đã về nghỉ chế độ, đội ngũ nhà giáo Thủ đô vẫn giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, tình nguyện mở các lớp học tình thương cho trẻ khuyết tật, trẻ lang thang và kiên trì giúp các em làm quen với từng con chữ, từng số đếm. Điển hình như nhà giáo Nguyễn Thị Sang (nguyên giáo viên Trường Tiểu học Yên Thường, huyện Gia Lâm) hơn chục năm qua tham gia dạy lớp tình thương; nhà giáo Đỗ Thị Thoa (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây) mở lớp dạy trẻ khuyết tật miễn phí; nhà giáo Hồ Hương Nam đã ngoài 80 tuổi, song vẫn miệt mài dạy chữ miễn phí cho trẻ khuyết tật ở quận Tây Hồ...

Chia sẻ của học sinh Hoàng Lê Thu Nguyên, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) chỉ là một trong những tình cảm của biết bao thế hệ học sinh Hà Nội khi bày tỏ sự biết ơn đối với các thầy cô giáo của mình. Những câu chuyện tưởng chừng như cổ tích ấy lại đang được viết nên từ chính những nhà giáo Thủ đô giàu tâm huyết, luôn hy sinh cho sự nghiệp trồng người. Họ là những người không quản ngại khó khăn về sức khỏe, kinh phí và thời gian, dành trọn trái tim mình cho những học trò thân yêu, trở thành những nhà giáo của nhân dân...

Thống Nhất