Áo dài khoe sắc tại công sở

Đời sống - Ngày đăng : 07:29, 12/03/2018

(HNM) - Nhân dịp Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh tổ chức lần thứ 5 diễn ra từ ngày 3 đến 25-3, Sở Du lịch cùng Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hồ Chí Minh đang phát động chương trình vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh và sinh viên cùng người dân thành phố mặc áo dài trong suốt tháng 3.


Đây là năm thứ 5 chương trình được phát động tại TP Hồ Chí Minh. Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ngoài mục đích tạo nét đẹp truyền thống và văn minh, việc làm ý nghĩa này tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với thành phố.


So với các năm trước, phong trào vận động năm 2018 có quy mô lớn hơn và được cư dân thành phố hưởng ứng nhiệt tình. Điển hình là sự kiện vừa diễn ra với hơn 3.000 phụ nữ cùng các diễn viên, ca sĩ tham gia mặc áo dài và trình diễn trên nền bài hát "Tôi yêu áo dài Việt Nam" tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), đông gấp 2 lần so với các năm trước.

Trong những ngày tháng 3, tà áo dài đã có mặt ở khắp góc phố, con đường, đến công sở của thành phố. Chị Ngô Phương Thảo, Giám đốc Công ty Anbooks chuyên về xuất bản sách tại TP Hồ Chí Minh rất yêu thích mặc áo dài. Chị chia sẻ: "Tôi mặc áo dài vào thứ 2 hằng tuần để ủng hộ phong trào. Việc mặc áo dài không gây nhiều bất tiện vì tôi chọn vải mềm mại, thoáng mát, không may quá bó sát hoặc quá dài nên hoàn toàn thoải mái".

Chị Phương Lan, một nhân viên công ty truyền thông tại quận 3, cũng là người đam mê áo dài khi sở hữu trên 20 bộ. Chị Lan cho biết: "Tôi đã may 6 bộ áo dài tặng các thành viên trong gia đình để cùng nhau mặc áo dài trong ngày Tết và Ngày Quốc tế phụ nữ. Còn tôi mặc áo dài thường xuyên khi đi gặp gỡ đối tác, ký hợp đồng, tham dự sự kiện".

Không chỉ vận động người dân mặc áo dài, TP Hồ Chí Minh còn tổ chức tọa đàm "Nét đẹp áo dài Việt", trong đó có 10 nữ Tổng lãnh sự và phu nhân các Tổng lãnh sự tham gia. Đây cũng sẽ là những người góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế. Để cuộc vận động mặc áo dài lan tỏa thiết thực trong đời sống xã hội, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh áo dài có hình thức quảng bá thông qua việc may miễn phí hoặc giảm giá; hoặc miễn giảm vé cho du khách mặc áo dài đến các điểm tham quan vui chơi ở thành phố.

Đến nay, 111 nhà may áo dài hưởng ứng giảm giá may từ 5%-20%, 78 cửa hàng giảm giá bán vải áo dài từ 5%-10%, 12 đơn vị bán phụ kiện trang sức giảm giá từ 5%-30% trong thời gian diễn ra lễ hội.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức phát động chương trình quyên góp "Áo dài tặng bạn" nhằm thu thập những chiếc áo dài dành tặng các hội viên phụ nữ, nữ công nhân, giáo viên, học sinh vùng ngoại thành khó khăn.

Theo chị Ngô Phương Thảo, Giám đốc Công ty Anbooks, để góp phần gìn giữ thói quen mặc áo dài, cần tạo ra những sân chơi cộng đồng dành cho những người yêu thích áo dài; tổ chức thêm những buổi trình diễn, thi duyên dáng về áo dài... Nhà thiết kế Sỹ Hoàng, Giám đốc Bảo tàng Áo dài TP Hồ Chí Minh nhận định, áo dài có sức sống trường tồn suốt thời gian qua không chỉ ở sự quyến rũ, tôn vinh nét đẹp nguời phụ nữ mà còn nhờ có tính ứng dụng cao. Vì vậy, việc cùng nhau gìn giữ và phát triển phong trào mặc áo dài - nét đẹp truyền thống, là rất cần thiết.

Tuệ Diễm