Pháp thúc đẩy chính sách "hướng Đông"

Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 13/03/2018

(HNM) - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kết thúc chuyến công du Ấn Độ kéo dài 4 ngày với mục tiêu thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên, đặc biệt về kinh tế và an ninh.


Tổng thống E.Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc hội đàm đầy hứa hẹn với 20 thỏa thuận hợp tác trị giá khoảng 13 tỷ euro được ký kết. Các hợp đồng kinh tế này có thể là bệ phóng để các doanh nghiệp Pháp tiến sâu vào thị trường với gần 1,3 tỷ dân của Ấn Độ. Hiện, quan hệ kinh tế giữa Pháp và Ấn Độ vẫn hết sức hạn chế so với tiềm lực của cả hai nước khi kim ngạch thương mại chỉ ở mức trên 10 tỷ euro. Ấn Độ chỉ là đối tác kinh tế đứng thứ 18 của Pháp và ngược lại, Pháp cũng chỉ đứng thứ 20 trong số các nước xuất khẩu vào Ấn Độ. Vì thế, lợi ích đầu tiên trong chuyến thăm Ấn Độ của ông chủ Điện Elysee là nâng cao mối quan hệ kinh tế và trở thành các đối tác lớn của nhau. Trong khi đó, Ấn Độ thì mong muốn hợp tác với Pháp để thu hút vốn và đặc biệt là công nghệ, bởi nước này đang rất “khát” công nghệ cao của phương Tây trong các lĩnh vực năng lượng hay chế tạo máy.

Đáng chú ý hơn cả là các cam kết phối hợp giữa Ấn Độ và Pháp nhằm bảo đảm tự do hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương, thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ấn Độ cũng như các vấn đề liên quan đến quốc phòng. Theo đó, Paris sẽ mở cửa các căn cứ hải quân tại Djibouti, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và đảo Reunion cho tàu chiến Ấn Độ sử dụng. Đây là quyết định được New Delhi rất trông đợi trong bối cảnh một số quốc gia khác đang tăng cường ảnh hưởng tại vùng biển chiến lược truyền thống của Ấn Độ. Trên thực tế, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước. Ấn Độ có đường bờ biển dài 7.500km, hơn 1.380 hòn đảo và vùng đặc quyền kinh tế biển rộng 2 triệu kilômét vuông. Trong khi đó, Pháp có 2 vùng lãnh thổ hải ngoại với 1,7 triệu dân nằm ở Ấn Độ Dương là đảo Reunion và đảo Mayotte. Nhờ đó, Pháp có chủ quyền với vùng biển rộng đến 11 triệu kilômét vuông ở đại dương này. Nhờ thỏa thuận mới nhất, Ấn Độ có thể mở rộng phạm vi tuần tra và kiểm soát xa hơn, về phía Tây của Ấn Độ Dương, nơi tiếp giáp khu vực Trung Đông và Đông Phi. Ngược lại, Pháp cũng có thể tận dụng các cơ sở hậu cần của Ấn Độ để đi xa hơn về phía Đông của Ấn Độ Dương. Tổng thống E.Macron cho rằng, với việc ký kết hiệp định an ninh quan trọng này, quan hệ quốc phòng giữa Pháp và Ấn Độ đã bước sang một trang mới.

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cùng đồng chủ trì hội nghị sáng lập Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế (ISA) do hai nước triển khai bên lề hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015. Mục tiêu của liên minh là đẩy mạnh sử dụng năng lượng mặt trời tại các quốc gia đang phát triển. Ông E.Macron cho rằng, nguồn năng lượng này như một "công cụ" cụ thể trong cuộc chiến chống lại sự ấm lên của trái đất. Thế nên, tại hội nghị ISA vừa diễn ra, ông chủ Điện Elysee cam kết sẽ tài trợ thêm 700 triệu euro cho các dự án năng lượng mặt trời tại các nước đang phát triển từ nay đến năm 2022.

Việc lựa chọn Ấn Độ là điểm đến thứ hai tại Châu Á sau Trung Quốc kể từ khi nhậm chức cho thấy Tổng thống E.Macron đặc biệt coi trọng quan hệ với quốc gia đang có sự tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực liên tục biến động, Paris và New Delhi đều ý thức được rằng, việc tăng cường hợp tác song phương mang lại nhiều lợi ích thiết thực, to lớn cho cả hai nước. Đặc biệt, chuyến thăm này cũng phản ánh chính sách "hướng Đông", củng cố quan hệ của Pháp với các nước Châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống E.Macron.

Thùy Dương