Gần dân để đổi mới tốt hơn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 14/03/2018
Xây dựng chính quyền cũng vậy, gần dân, vì dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước là một trong những đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu của đổi mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu”. Thế nhưng, làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có phong cách, tác phong gần gũi với nhân dân, biết trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân?
Trước yêu cầu từ thực tiễn ngày càng cao, năm 2018 được TP Hà Nội chọn là "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". Trước đó, tháng 4-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố”... Tất cả cùng vì mục tiêu xây dựng chính quyền gần dân và vì dân. Các cấp ủy Đảng của thành phố chủ động hướng về cơ sở, coi đây là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.
Qua thực tiễn hành động cho thấy, nhiều cách làm, tấm gương điển hình thể hiện phong cách làm việc gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề phát sinh. Có thể khẳng định, gần dân không phải là điều gì khó khăn, ngược lại đây thực sự là một điều đơn giản khi chính quyền biết cách bước vào đời sống thường ngày của nhân dân bằng những hành động, việc làm cụ thể; biết cảm thông trước khó khăn, bức xúc và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của người dân.
Tất nhiên, ở đâu đó chuyện xa dân, quan liêu, cửa quyền vẫn còn xảy ra. Câu chuyện cán bộ "xa dân" xảy ra ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa) hồi tháng 7-2017 đã để lại một bài học cho không ít "công bộc" của nhân dân. Khi cái nguyên lý cầm quyền vẫn tác động lớn trong ý thức dẫn đến xu hướng lạm quyền. Một khi cán bộ chỉ tìm cách quản lý dân, nhũng nhiễu dân thì quyền lực chưa thuộc về nhân dân.
Thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quyết liệt trong việc thực hiện Chính phủ kiến tạo, liêm chính vì dân phục vụ. Chính quyền phải trọng dân, vì dân, quản lý theo tinh thần bình đẳng cho tất cả mọi người trên cơ sở hiến pháp và pháp luật; chứ không phải cửa quyền, cho phép người dân làm cái này, phải xin phép làm cái kia. Cán bộ phải tăng cường đối thoại, lắng nghe, biết sẻ chia khó khăn với dân và phải biết đặt mình vào sự khó khăn, vào vị trí của dân để có cái nhìn thấu đáo.
Có thể nói, hoạt động của toàn bộ các cơ quan công quyền là do dân nuôi, bằng tiền thuế của người dân. Như vậy chính quyền phải là "công bộc" của dân, đội ngũ cán bộ, công chức phải có ý thức phục vụ nhân dân. Sự xa rời quần chúng của cán bộ, đảng viên sẽ làm cho chính quyền mất chỗ đứng trong nhân dân.
Chúng ta đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Theo quan điểm của Bác Hồ, người cán bộ, đảng viên "phải hòa mình với quần chúng thành một khối" để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh. Xây dựng được bộ máy chính quyền gần dân, vì dân; hành động vì lợi ích của quốc gia, dân tộc thì đó chính là một chính quyền của dân, hợp lòng dân.