Vướng đâu, gỡ đó

Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 14/03/2018

(HNM) - Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực và điều kiện cần thiết giúp hơn 4.000 hộ nghèo hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở vào đầu tháng 10 năm nay theo Kế hoạch 29/KH-UBND ngày 25-1-2018 của UBND TP Hà Nội (Kế hoạch 29) là điều không dễ dàng.

Nhiều hộ nghèo cần được hỗ trợ

Đến giữa tháng 3-2018, 15 huyện, thị xã có hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở đã triển khai nội dung Kế hoạch 29 tới cấp thôn, xóm. Từ kế hoạch chung, các địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch riêng và yêu cầu chính quyền cấp xã ký cam kết thực hiện.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Linh Lợi, thôn Phú Nghĩa, xã Phú Kim (huyện Thạch Thất) được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà năm 2017. Ảnh: Thu Hiền


Để nguồn kinh phí hỗ trợ đến đúng đối tượng, các ngành, địa phương thành lập nhiều đoàn kiểm tra, tiếp tục rà soát, phân loại, đánh giá hiện trạng nhà ở của từng hộ nghèo. Kết quả khảo sát cho thấy, số hộ có nhu cầu được hỗ trợ về nhà ở trong thực tế nhiều hơn danh sách 4.046 hộ đã được phê duyệt. Đơn cử, huyện Đan Phượng phát sinh 30 hộ đề nghị hỗ trợ, 4 hộ thay đổi nguyện vọng từ sửa chữa sang xây mới; huyện Mỹ Đức phát sinh 15 hộ đề nghị hỗ trợ; huyện Đông Anh, Thanh Trì… cũng có nhiều hộ đề nghị được hỗ trợ hoặc thay đổi nguyện vọng. “Phát sinh nhiều trường hợp là do việc rà soát, lập hồ sơ hiện trạng nhà ở của hộ nghèo vào thời điểm cuối năm 2017 tại một số địa phương chưa chặt chẽ; do một số hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở mới có kế hoạch xây, sửa nhà trong quý I năm nay”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết.

Phát sinh số hộ nghèo có nhu cầu xây, sửa nhà khiến nguồn kinh phí hỗ trợ tăng lên. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ với mức 20 triệu đồng/nhà xây mới, 10 triệu đồng/nhà sửa chữa gặp không ít khó khăn. Đến thời điểm này, nguồn kinh phí do thành phố huy động mới đáp ứng được một phần nhu cầu do nhiều doanh nghiệp đã cam kết hỗ trợ nhưng chưa chuyển tiền. Nguồn kinh phí do các địa phương huy động khó đạt mục tiêu đề ra. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, với số lượng hơn 700 hộ nghèo tiến hành xây, sửa nhà trong năm 2018, ngoài nguồn hỗ trợ của thành phố, huyện Ba Vì cần huy động hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù mở rộng diện huy động và phấn đấu đạt mức tối đa thì huyện cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Tương tự Ba Vì, huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa… cũng gặp khó khăn trong huy động kinh phí xã hội hóa tại chỗ.

Ngoài vấn đề kinh phí, một số địa phương còn những hộ nghèo thực sự khó khăn về nhà ở, có nhu cầu xây dựng hoặc sửa chữa nhà nhưng họ không làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ. “Trường hợp này thường rơi vào hộ neo đơn, già yếu, bệnh tật, không có khả năng tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà hoặc không đủ khả năng trả nợ. Do đó, dù được hỗ trợ một phần kinh phí, được vay vốn ưu đãi không lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian 15 năm, một số hộ vẫn không dám vay”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn phân tích.

Nhiều giải pháp tháo gỡ

TP Hà Nội và các địa phương triển khai kế hoạch hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo nhằm mục đích giúp 100% hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống. Đó là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững. Bởi vậy, những khó khăn, vướng mắc nêu trên sẽ được thành phố và các địa phương quan tâm giải quyết.

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt khẳng định, huyện Mỹ Đức sẽ khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc bằng cách giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, ngành, đoàn thể. Căn cứ kế hoạch được giao, các đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự chung tay đóng góp của tập thể, cá nhân trong và ngoài huyện.

Phát huy nội lực để tháo gỡ khó khăn là giải pháp được nhiều địa phương khác triển khai. Cùng với sự nỗ lực của địa phương, UBND TP Hà Nội và các sở, ban, ngành chức năng tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua nhiều chương trình, hoạt động từ thiện. UBND thành phố khuyến khích các quận nội thành không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở giúp đỡ những huyện khó khăn. Với những hộ không đủ khả năng xây, sửa nhà, UBND thành phố giao UBND cấp xã, Đoàn Thanh niên và các đoàn thể tại địa phương giúp các hộ thực hiện. Hình thức hỗ trợ cho những trường hợp đặc biệt được áp dụng linh hoạt theo hoàn cảnh cụ thể, mức hỗ trợ có thể nhiều hơn mặt bằng chung. “Kế hoạch hỗ trợ về nhà ở cho người nghèo là chính sách nhân văn của TP Hà Nội, nhận được sự đồng thuận của cộng đồng, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Do đó, tất cả hộ nghèo thực sự gặp khó khăn về nhà ở, đủ điều kiện được hỗ trợ đều có thể tiến hành xây dựng, sửa chữa nhà trong quý II và quý III năm nay”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định.

Để Kế hoạch 29 được triển khai đúng và trúng, đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu các huyện, thị xã hoàn thành việc rà soát, phân loại, kiểm tra hiện trạng nhà ở của từng hộ nghèo trước ngày 20-3. Sau đó, các ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất; thường xuyên họp bàn rút kinh nghiệm để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch. Thời gian thực hiện Kế hoạch 29 chỉ còn hơn 6 tháng. Hy vọng các cấp, các ngành chức năng và cộng đồng xã hội chung tay hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo hoàn thành tâm nguyện.

Minh Ngọc