Quản lý lễ hội Hà Nội 2018: Đã văn minh hơn!
Văn hóa - Ngày đăng : 14:47, 16/03/2018
Lễ hội chùa Hương 2018 |
Lan toả giá trị văn hóa
Theo thống kê sơ bộ Hà Nội hiện có 1.026 lễ hội với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, diễn ra tập trung vào mùa xuân. Bên cạnh đó, các lễ hội có quy mô hội vùng như: Hội gò Đống Đa, hội Gióng, hội đền Cổ Loa, hội đền Hai Bà Trưng, hội chùa Hương, hội chùa Thầy gắn với huyền tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh, hội chùa Tây Phương, hội đền Và thờ Đức Thánh Tản... Nhiều lễ hội đã khôi phục được những phong tục, tín ngưỡng cổ có giá trị văn hóa sâu sắc... Đặc biệt, lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng, thu hút hàng chục vạn du khách trẩy hội.
Theo báo cáo giải trình của UBND TP Hà Nội trong phiên họp chất vấn HĐND TP vào ngày 15-3 vừa qua đã đánh giá, các lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, bảo đảm đúng quy định, kế hoạch đề ra. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi, trò diễn giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian được quan tâm đưa vào lễ hội như: Hát quan họ, hát chèo, đấu vật, đánh đu, thổi cơm thi, múa sư tử, kéo co...
Việc tổ chức lễ hội hàng năm tại các địa phương đã được chỉ đạo kết hợp với việc tổ chức đón nhận các danh hiệu làng văn hóa, danh hiệu làng nghề, Bằng di tích lịch sử văn hóa... làm phong phú hoạt động của lễ hội, góp phẩn tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, động viên, khuyến khích nhân dân giữ gìn, phát huy tốt các giá trị đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố công nhận xếp hạng, góp phần tích cực vào việc nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư.
Trả lời báo chí, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao (VH-TT) Hà Nội khẳng định, mùa lễ hội Hà Nội 2018 diễn ra đến thời điểm này cơ bản được quản lý tốt, hạn chế tối đa những hình ảnh phản cảm, chưa đẹp. Những lễ hội từng được cho là điểm “nóng” như Lễ hội đền Sóc đã thành công trong việc thay đổi hình thức tán lộc, khiến ai dự hội cũng hân hoan vì không còn cảnh chen cướp phản cảm mà vẫn có lộc mang về nhà. Tại một số lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương, phủ Tây Hồ… việc đốt đồ mã, đổi tiền lẻ, kinh doanh trò chơi bạo lực giảm rõ rệt…
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng đoàn kiểm tra thành phố kiểm tra công tác tổ chức tại Lễ hội đền Sóc 2018. |
Trên tinh thần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, khôi phục các loại hình sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích mà đề ra.
Khắc phục hạn chế, tăng cường công tác quản lý
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thủ đô bao gồm các sở, ngành: VH-TT, Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tài chính, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội, trong đó Sở VH-TT là đơn vị thường trực của Đoàn kiểm tra. Năm 2018, Đoàn đã triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại 18 lễ hội trên địa bàn thành phố.
Báo cáo của Sở VH-TT Hà Nội cho biết, năm 2018, sở đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tập trung thanh tra, kiểm tra các lễ hội có quy mô tổ chức lớn. Đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra tại một số lễ hội lớn trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã đồng thời có công văn nhắc nhở, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Sở cũng đã tổ chức kiểm tra trước, trong và sau tại các lễ hội lớn như: Chùa Hương, đền Gióng, đền Hai Bà Trưng...
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội nhận định, đến thời điểm này công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố cơ bản tốt, nhưng cơ quan chức năng và các đoàn kiểm tra liên ngành vẫn không thể lơ là. Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội thừa nhận, đâu đó trong các lễ hội vẫn còn để xảy ra nhiều hiện tượng phản cảm, hình ảnh chưa đẹp, việc đốt vàng mã tràn lan… Vì thế, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội vẫn phải tăng cường đi kiểm tra đột xuất để kịp thời xử lý.
Trong phiên họp chất vấn của HĐND TP Hà Nội vừa qua, trả lời những vấn đề còn nổi cộm trong công tác quản lý lễ hội năm 2018 như bán thịt sống, đò chờ khách quá quy định tại lễ hội chùa Hương, đặt hòm công đức phản cảm, việc tuyên truyền Quy tắc ứng xử chưa sâu sát, ông Tô Văn Động bày tỏ, công tác quản lý lễ hội 2018 đang từng bước chuyên nghiệp hơn. Theo quy định, việc đặt hòm công đức chỉ được từ 2-3 hòm trong di tích nhưng do lượng khách đông nên Ban quản lý các di tích, lễ hội phải đặt thêm để thuận tiện cho du khách.
Năm nay, lễ hội chùa Hương vẫn để lại nhiều điều tiếng như bày bán thịt tươi, nhưng lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức và lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội khẳng định đó không phải là thịt thú rừng mà là thịt nuôi. Những hiện tượng “cò” khách, đò chờ không đúng quy định diễn ra tại lễ hội này cũng đã được cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Năm nay, Sở VH-TT Hà Nội tăng cường tuyên truyền hai Quy tắc ứng xử trong quản lý lễ hội. Về hình thức, việc tuyên truyền này vẫn gặp không ít khó khăn do việc in bảng, biển về nội dung Quy tắc ứng xử chưa phù hợp với nhiều di tích.
Tuy nhiên, nhờ vào việc tăng cường tuyên truyền tới cán bộ, người dân nên ý thức người dự lễ hội đã cải thiện. Đoàn kiểm tra thành phố Hà Nội không phát hiện được trường hợp cán bộ, công chức đi lễ vào giờ hành chính. Du khách thập phương tham gia lễ hội đã tuân thủ theo đúng nội quy. Đây chính là tín hiệu tích cực trong công tác quản lý lễ hội của Hà Nội năm 2018, góp phần xây dựng văn hóa lễ hội trên địa bàn thành phố, từ đó đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong phong trào thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dân tộc.