Muộn còn hơn không
Tài chính - Ngày đăng : 06:31, 17/03/2018
Câu chuyện về khoản tiết kiệm trị giá 245 tỷ đồng của một khách hàng biến mất xảy ra mới đây đã gây xôn xao dư luận. Nhưng đó không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện lạ này. Những vụ tiền trong tài khoản tiết kiệm bỗng dưng “bốc hơi”, thẻ tín dụng bị sử dụng ở nước ngoài trong khi chủ thẻ vẫn đang ở Việt Nam, hay thẻ ATM liên tục bị rút tiền... đã từng liên tiếp diễn ra. Thế nhưng, 245 tỷ đồng bị mất do nhân viên ngân hàng rút thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh về “lỗ hổng” trong giao dịch ngân hàng.
Trong Văn bản 1126/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng) ban hành cuối tháng 2, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc triển khai, thực hiện việc bảo đảm an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Đó là, chấp hành nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động, xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra.
Đặc biệt, để tránh trường hợp lãnh đạo, nhân viên ngân hàng tìm cách rút tiền của khách hàng bất hợp pháp, cơ quan này cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường việc tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của tổ chức tín dụng...
Không dừng lại ở đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ có thông tư hướng dẫn giao dịch tiền gửi tiết kiệm bằng tiền đồng, ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng và cá nhân, với mục tiêu bảo đảm an toàn cho khách hàng. Bên cạnh việc buộc các ngân hàng phải thực hiện giao dịch gửi tiết kiệm tại ngân hàng, cơ quan này đang xem xét việc có thể yêu cầu hạn mức rút tiền ở mức 200 triệu đồng, hoặc 500 triệu đồng trở lên phải có xác thực của khách hàng, cũng như có hay không quy định về việc nhân viên ngân hàng được nhận ủy quyền của khách hàng khi thực hiện giao dịch tại ngân hàng.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra những quy định rõ hơn nữa về quy trình gửi tiền tại các ngân hàng. Chẳng hạn, cấm nhân viên đến nhà khách hàng phục vụ, bởi hiện nay hầu như các ngân hàng đều có chính sách chăm sóc đặc biệt tới khách hàng VIP. Nếu không cấm, cơ quan chức năng nên quy định cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm của hai bên. Bởi, việc bỏ ngỏ quy định trong hoạt động gửi tiền, bàng quan trước việc ngân hàng không thực hiện chặt chẽ quy trình là yếu tố tạo điều kiện cho tội phạm tồn tại.
Nhiều ngân hàng thương mại cũng đồng tình với quy định nên cấm triệt để hành vi chăm sóc khách hàng VIP bất chấp quy định về quy trình, thủ tục gửi, rút tiền tại ngân hàng. Trong những vụ việc giả mạo chữ ký ủy quyền để rút tiền trong sổ tiết kiệm của khách hàng gần đây là do giao dịch bằng tiền mặt và khách hàng quá tin vào nhân viên ngân hàng mà không tuân thủ quy trình an toàn...