Trang mạng của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga bị tấn công
Thế giới - Ngày đăng : 18:17, 18/03/2018
Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch CEC Ella Pamfilova thông báo, CEC đã đẩy lùi cuộc tấn công DDoS nhằm vào trang mạng của mình vào rạng sáng 18-3 (theo giờ Mátxcơva). Các nguồn tấn công được xác định nằm ở 15 nước.
Cử tri Nga bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở thủ đô Matsxcơva ngày 18-3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Công tác bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử tổng thống Nga được tăng cường với sự vào cuộc của tất cả các lực lượng chức năng. Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết đã điều 115.000 nhân viên và gần 19.000 trang thiết bị để bảo đảm an ninh cho tất cả các khu vực bầu cử trên cả nước.
Tại Mátxcơva, chính quyền Thủ đô đã huy động hơn 17.000 nhân viên thực thi pháp luật bảo đảm trật tự trong ngày bỏ phiếu 18-3. Giao thông trong ngày bỏ phiếu ở Thủ đô vẫn bình thường, nhưng hoạt động tuần tra, kiểm soát được siết chặt.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Crimea Mikhail Malyshev thông báo 43 quan sát viên quốc tế đến từ 20 nước, trong đó có cả Anh, Mỹ và Ukraine, đã đến Crimea để giám sát cuộc bầu cử tổng thống Nga, lần đầu tiên được tổ chức tại bán đảo ở Biển Đen này.
Ông Malyshev nêu rõ, quá trình bầu cử tại Crimea sẽ do 43 quan sát viên quốc tế đến từ 20 nước giám sát, trong đó có Áo, Anh, Đức, Đan Mạch, Israel, Tây Ban Nha, Italy, Mỹ, Ukraine, Pháp, Phần Lan và Thụy Điển... Hơn 1.200 điểm bỏ phiếu tại Crimea đã mở cửa lúc 8h sáng theo giờ Mátxcơva (12h giờ Việt Nam), nơi có 1,5 triệu cử tri đủ tư cách bỏ phiếu.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, phái viên Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Alexander Lukashevich cho rằng, Ukraine đang vi phạm luật pháp quốc tế khi cản trở các công dân Nga tại Ukraine tham gia bầu cử tổng thống Nga.
Trên trang mạng Twitter, phái bộ Nga tại OSCE dẫn lời của ông Lukashevich nêu rõ: "Khi cản trở việc tiếp cận các phái bộ ngoại giao của Nga và tước quyền tham gia bầu cử tổng thống của công dân Nga, Kiev đã vi phạm trắng trợn Đạo luật Helsinki năm 1975, Văn kiện kết luận của cuộc họp OSCE tại Vienna năm 1989, Văn kiện Copenhagen 1990, Hiến chương Paris cho một châu Âu mới năm 1990, Văn kiện Mátxcơva năm 1991".
Trước đó, Bộ Nội vụ Ukraine thông báo sẽ không cho phép các công dân Nga đến các phái bộ ngoại giao của Nga tại lãnh thổ nước này để bỏ phiếu trong ngày bầu cử 18-3. Cùng ngày, cảnh sát Ukraine đã phong tỏa lối ra vào Đại sứ quán Nga tại Kiev cũng như lãnh sự quán Nga tại các thành phố lviv và Odessa, nhằm ngăn không cho công dân Nga tới bỏ phiếu.