“Ngày chủ nhật không mua sắm” ở Ba Lan
Chuyện đó đây - Ngày đăng : 07:33, 18/03/2018
Theo đó, hoạt động mua sắm sẽ bị hạn chế vào ngày chủ nhật đầu tiên và cuối cùng của các tháng. Sau đó, đến năm 2020, hoạt động này chỉ được thực hiện vào 7 ngày chủ nhật trong cả năm, trong đó có 2 ngày chủ nhật trước Lễ Giáng sinh và 1 ngày chủ nhật trước Lễ Phục sinh.
Luật cấm mua sắm vào chủ nhật cũng được áp dụng với các chuỗi cửa hàng bách hóa của người nước ngoài cũng như những cửa hàng không thuộc quyền sở hữu của người Ba Lan. Theo quy định, một số trường hợp sẽ được miễn trừ khỏi luật cấm như trạm xăng, quán cà phê, hiệu thuốc hay vài ngành kinh doanh đặc biệt khác. Những cửa hàng ở sân bay hay trạm xe lửa cũng sẽ hoạt động bình thường vào chủ nhật...
Nguyên nhân chính của bộ luật trên là do nhiều lao động cảm thấy bị bỏ rơi khi vẫn phải làm việc vào chủ nhật mà không có ngày nghỉ đúng nghĩa. Theo tổ chức Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan, luật này sẽ giúp các nhân viên dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Bất kỳ trường hợp nào vi phạm sẽ phải nộp phạt 100.000 zloty (29.500 USD) và có thể ngồi tù nếu tái phạm.
Tuy nhiên, quy định mới này đã tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Theo các nhà chính trị đối lập, luật này sẽ hạn chế cơ hội để sinh viên kiếm việc làm... Trong khi đó, Ba Lan là quốc gia lao động chăm chỉ nhất Liên minh Châu Âu (EU) và nhiều người chỉ rảnh vào chủ nhật để đi mua sắm. Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy Ba Lan chỉ đứng sau Hy Lạp trong số 28 thành viên về thời gian lao động. Bình quân năm 2016, mỗi nhân viên Ba Lan làm việc tới 1.928 tiếng/năm.
Dù còn rất mới tại Ba Lan nhưng đây không phải lần đầu chính sách này được đưa ra ở Châu Âu. Trên thực tế, luật cấm này đã từng được ban hành ở Hungary từ năm 2015 nhưng ít được tuân thủ nên năm 2016, bộ luật đã bị xóa bỏ. Nhưng tại một số quốc gia Châu Âu khác như Áo, Đức, người dân từ lâu đã quen với việc chủ nhật không mua sắm và cho rằng đây là dịp để nghỉ ngơi và quây quần bên gia đình, bạn bè.