Đau đáu tìm cách giữ nghề

Kinh tế - Ngày đăng : 07:40, 18/03/2018

(HNM) - Xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) nổi tiếng bởi nghề mây tre giang đan xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông nhàn có thu nhập cao.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh giới thiệu các mẫu sản phẩm mây tre đan của gia đình.


Những đóng góp đáng quý

Nhà Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh ở xóm Gò Đậu, xã Phú Nghĩa đồng thời là xưởng sản xuất mây tre giang đan, ngày nào cũng có hàng chục lao động miệt mài làm việc. Xưởng cũng là nơi trưng bày, giới thiệu những sản phẩm độc, lạ, cầu kỳ, tinh xảo từ mây tre giang đan của gia đình. Với tình yêu và tay nghề của mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã truyền nghề cho nhiều thợ trẻ. Tại xưởng sản xuất của gia đình, mỗi năm, hàng triệu sản phẩm mây tre giang đan đã được xuất khẩu tới nhiều nước...

Còn với nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, mặc dù là người khuyết tật nhưng với nghị lực phi thường, không chỉ vượt lên số phận, ông còn là một trong những nghệ nhân tích cực truyền nghề và có công quảng bá sản phẩm mây tre giang đan Việt Nam ra nước ngoài. Hơn 40 năm trong nghề, ông Trung đã "đan" khoảng 300 bức chân dung các vị lãnh tụ nổi tiếng trong và ngoài nước, đặc biệt có hơn 200 bức chân dung Bác Hồ.

Cách đây hơn 10 năm, ông Trung đã thành lập Trung tâm Dạy nghề tư thục mây tre giang đan Phú Vinh. Mỗi năm tổ chức 10-20 lớp dạy nghề và nâng cao tay nghề mây tre giang đan cho người dân. Đặc biệt là ông dạy nghề miễn phí cho học viên là người khuyết tật...

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Trần Văn Phụng, Phú Nghĩa là “cái nôi” của nghề mây tre giang đan cả nước. Hiện cả xã có 7/7 làng nghề đều đã được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Nghề mây tre giang đan thu hút lao động ở rất nhiều độ tuổi tham gia. Từ các em học sinh tranh thủ thời gian giúp đỡ bố mẹ, đến các cụ cao tuổi cũng đều có thể tham gia các công đoạn của sản phẩm. Bởi vậy, tuy là nghề phụ, nhưng nghề mây tre giang đan lại cho thu nhập chính.

Tiếp sức để giữ nghề

Để duy trì và phát triển nghề mây tre giang đan như hôm nay, những nghệ nhân, thợ giỏi và người làm nghề ở Phú Nghĩa đã vượt qua vô vàn khó khăn. Từ khoảng năm 2008, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới nên thị trường mây tre giang đan xuất khẩu bị thu hẹp. Bên cạnh đó, sản phẩm còn chịu sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác trên thế giới nên xuất khẩu giảm sút.

“Lao động thiếu việc làm, thu nhập từ nghề thấp nên phải chuyển đổi sang nhiều nghề khác, có lúc tưởng chừng nghề truyền thống của Phú Nghĩa khó đứng vững. May thay, vẫn còn lao động bám trụ với nghề mây tre giang đan - đó là những nghệ nhân, thợ giỏi tâm huyết với nghề” - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh cho biết.

Chị Hoàng Thị Thu, một thợ đang làm việc tại xưởng sản xuất của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh chia sẻ: “Hàng chục năm gắn bó với nghề mây tre giang đan, đôi tay đã thuần thục với những khay, đĩa, rổ, rá, khung ảnh, đồ trang trí, tranh chân dung..., niềm vui của chúng tôi là nghề vẫn còn và luôn giữ được giá trị truyền thống mà ông cha để lại”.

Chia sẻ về nghề của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Phụng cho biết: “Trước những khó khăn của làng nghề, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có những hỗ trợ kịp thời. Xã Phú Nghĩa đã vận động các nghệ nhân, thợ giỏi tăng cường sáng tạo mẫu mới để cạnh tranh; hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên truyền thông; siết chặt quản lý quy mô và chất lượng sản phẩm... Mỗi năm xã còn tổ chức từ 10 đến 20 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho người dân. Hiện cả xã Phú Nghĩa có 2.300 hộ làm nghề mây tre giang đan, đóng góp khoảng 60% tổng thu nhập toàn xã, đạt giá trị trên 100 tỷ đồng mỗi năm”.

Hy vọng với sự nỗ lực giữ nghề của các nghệ nhân, thợ giỏi cùng sự tiếp sức của chính quyền địa phương, những người làm nghề mây tre giang đan Phú Nghĩa sẽ tiếp tục có những sáng tạo bắt kịp thị hiếu tiêu dùng, đồng thời, có hướng đi phù hợp với xu thế thị trường trong và ngoài nước để nghề truyền thống ngày càng phát triển...

Nguyễn Mai