Đòi hỏi nhiều nỗ lực
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:53, 19/03/2018
Thực tế, cùng với quá trình đô thị hóa một cách nhanh chóng mà Hà Nội là một trong những địa phương điển hình, hạ tầng kỹ thuật nói chung và hệ thống nước nói riêng đã từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy hoạt động cung cấp nước sạch gặp nhiều khó khăn khi gắn liền với quá trình đô thị hóa là sự gia tăng dân số chóng mặt (cả tự nhiên và cơ học).
Mạng lưới cấp nước không chỉ chưa bao phủ hết mà chất lượng dịch vụ cung cấp, chất lượng nước cũng đáng bàn. Nhiều nơi, người dân phải sử dụng nước nhiễm asen, amôni, chỉ tiêu vi sinh cũng như một số chỉ tiêu khác... không đạt yêu cầu.
Không như địa bàn khác, khu vực đô thị đặc biệt “nhạy cảm” với vấn đề nước sạch khi hầu như không được “chi viện” bởi những giếng khoan, ao, hồ… như khu vực nông thôn. Dù vậy, với ngay người dân khu vực nông thôn, để đạt chỉ tiêu 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch cũng đang đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Để “mỗi năm đến hè, không lo thiếu nước”, trong quá trình đô thị hóa sẽ còn tiếp tục với tốc độ nhanh chóng hơn, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật nói chung, hạ tầng mạng lưới cấp nước nói riêng một cách đồng bộ căn cứ trên các dữ liệu chuẩn xác, khoa học cũng như có tính dự báo là yêu cầu quan trọng, với không chỉ riêng TP Hà Nội mà còn với các đô thị trên cả nước.
Tại Hà Nội, hiện có hai yêu cầu rất dễ nhận thấy, đó là: “Bao phủ”, tiến tới giảm thiểu địa bàn dân cư còn đang thiếu nước sinh hoạt, nhất là những nơi diễn ra nhiều năm. Tình trạng này vẫn xảy ra vào những ngày cao điểm sử dụng nước trong mùa hè hoặc mỗi khi đường ống nước sông Đà xảy ra sự cố. Đồng thời, cơ quan chức năng cần buộc chủ đầu tư mọi dự án khu đô thị mới phải có trách nhiệm bảo đảm nguồn cung nước sinh hoạt đủ về lượng, đạt về chất.
Đây là vấn đề phát sinh mấy năm trở lại đây, dẫn đến nhiều căng thẳng giữa chủ đầu tư dự án (hoặc ban quản lý khu đô thị) với cư dân như đã xảy ra tại Khu đô thị bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Mulberry Lane (quận Hà Đông)… Vì thế, cần coi đây là tiêu chí xem xét, giám sát chặt chẽ khi mà các khu đô thị mới được cấp phép, triển khai thực ngày một nhiều. Dứt khoát cơ quan chức năng không thể để có thêm bất kỳ khu đô thị nào không bảo đảm một trong những điều kiện thiết yếu với sinh hoạt của người dân như nước sạch.
Những giải pháp quan trọng khác còn là xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư dịch vụ cung cấp nước sạch. Giải pháp này đang được thành phố đẩy mạnh thực hiện. Một trong những thông tin đáng chú ý là trong buổi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra tiến độ dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống (ngày 1-3-2018), đại diện chủ đầu tư đã cam kết đúng đến tháng 10-2018, sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của nhà máy với công suất 150.000m3/ngày đêm.
Trước mắt, với mạng lưới cấp nước hiện có, một yêu cầu nữa đặt ra là chống thất thoát nước sạch. Không chỉ nhà cung cấp cần cải tạo mạng lưới đường ống, nâng cao hiệu quả vận hành mà chính người dân cũng cần có ý thức sử dụng, quản lý nước tiết kiệm. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chất lượng nước, bảo đảm an toàn với sức khỏe người dùng, ở các khu đô thị mới cũng như khu dân cư cũ.