Chủ động đối phó với dịch sởi
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:29, 19/03/2018
Coi chừng biến chứng
Những ngày qua, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như Đa khoa Xanh Pôn, Nhi trung ương, Bạch Mai… đã ghi nhận rải rác các ca bệnh sởi. Riêng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) từ đầu năm 2018 đến nay đã tiếp nhận 44 bệnh nhân nhập viện điều trị sởi, trong đó, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mới được 2 tháng, số còn lại từ 3 đến 5 tuổi.
Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Khoa Truyền nhiễm, cho biết, trong số những bệnh nhi mắc sởi, nhiều trường hợp chưa được tiêm phòng vắc xin, bị lây nhiễm từ chính người thân trong gia đình.
Điều trị cho bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. |
Có mặt tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) những ngày này, dễ dàng cảm nhận nỗi lo về nguy cơ quay trở lại của bệnh sởi là có cơ sở. Bà Nguyễn Thị Đ (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), người đang chăm sóc cháu gái Ngọc H (12 tháng tuổi) điều trị bệnh sởi tại khoa cho biết: “Cả tháng nay gia đình tôi tất bật ra vào viện. Bé H lây bệnh từ người anh trai 4 tuổi. Cách đây gần 1 tháng, anh trai cháu cũng điều trị tại đây và được chẩn đoán mắc bệnh sởi. Do thể trạng yếu lại bị bệnh viêm phổi trước đó nên anh trai cháu đã qua đời. Giờ chỉ mong sao cháu H. chóng khỏe”.
Nằm bên cạnh cháu H. là giường của chị Nguyễn Thị Y. (Hà Nội), người có con gái nhỏ cũng đang điều trị bệnh sởi tại đây. Khi được hỏi bé đã được tiêm phòng chưa, chị Y. nghẹn ngào nói: “Cứ đến lịch tiêm là bé nhà tôi lại ốm, quấy khóc nên không tiêm được. Đến lúc sức khỏe bé ổn định thì bố mẹ lại bận. Vì cơ thể yếu, sức đề kháng kém và chưa được tiêm phòng nên vi rút sởi đã tấn công rất nhanh”.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, sởi là bệnh do vi rút gây ra, thường gặp ở người chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi, chưa mắc bệnh sởi lần nào và có tiếp xúc với bệnh nhân sởi. Bệnh lây lan rất nhanh trong không khí khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho. Trước khi phát ban vài ngày, người mắc sởi đã phát tán vi rút ra môi trường xung quanh. Việc phát tán vi rút còn kéo dài 5-7 ngày sau khi bệnh nhân phát ban. Nhiều người vẫn quan niệm sởi là căn bệnh thông thường, lành tính nên chủ quan.
Tuy nhiên, trên thực tế, những biến chứng viêm não, viêm cơ tim, viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm tai giữa, tiêu chảy… hoàn toàn có thể xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, nhất là trẻ nhỏ.
“Không chỉ những bệnh nhân có bệnh lý nền, thể trạng không tốt mà ngay cả người hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể gặp nguy hiểm với diễn tiến bất ngờ của bệnh. Chúng tôi đã tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, có biến chứng nên phải can thiệp thở máy”, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga nói.
Không được chủ quan
Tính từ đầu năm đến ngày 15-3, Hà Nội đã ghi nhận 28 ca bệnh sởi. Dù các ca bệnh mới chỉ xuất hiện rải rác và vẫn trong tầm kiểm soát nhưng không ai dám chủ quan. Chu kỳ dịch sởi đã rút ngắn lại - khoảng 4-5 năm/lần (trước đây là 9-10 năm/lần). Hơn nữa, cách đây hơn 4 năm, vụ dịch sởi năm 2014 bắt đầu từ những ca mắc lẻ tẻ, sau đó đã bùng phát mạnh khiến hơn 100 trẻ tử vong.
Bài học từ vụ dịch sởi năm 2014, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, với địa bàn rộng, dân cư đông như Hà Nội thì không thể chủ quan. Ngay từ đầu năm 2018, công tác phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố đã được triển khai đồng bộ, mục tiêu là phát hiện sớm ca bệnh, khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, các bệnh viện trong và ngoài công lập triển khai gần 700 điểm giám sát dịch bệnh.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, yếu tố thuận lợi cho việc bùng phát trở lại của bệnh sởi và nhiều bệnh khác còn xuất phát từ “khoảng trống” tiêm chủng trong nhiều năm qua. Vì vậy, Hà Nội đã tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế từ 1 lần/tháng lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần, phòng trường hợp trẻ đến lịch tiêm nhưng phải hoãn vì ốm thì sẽ được tiêm bổ sung ngay trong tuần sau.
Để tránh lây nhiễm chéo, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt việc tổ chức phân tuyến điều trị, thiết lập khu vực riêng để khám, điều trị bệnh nhân mắc sởi. Hiện các bệnh viện đã tổ chức khám phân loại bệnh nhân ngay từ phòng khám.
TS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, khi trẻ mắc sởi, người dân hãy đưa con em đến các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Những cơ sở này đủ khả năng khám, điều trị cho bệnh nhân sởi. Nếu bệnh nhẹ mà đổ dồn lên tuyến trên thì sẽ gây quá tải bệnh viện, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.