Bị cáo Đinh La Thăng: Không biết có nghị quyết góp vốn lần ba vào Oceanbank (?)

Pháp đình - Ngày đăng : 17:39, 19/03/2018

(HNMO) - Chiều 19-3, HĐXX dành nhiều thời gian để xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng cũng như tiến hành đối chất với các bị cáo khác và nhân chứng để làm rõ hành vi của người phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng PVN góp vốn vào Oceanbank.

Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên xét xử. Ảnh: TTXVN


Theo cáo trạng, là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Đinh La Thăng đã có hành vi ký Thỏa thuận 6934 ngày 18-9-2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. 


Như vậy, Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của Oceabank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, việc ký thoả thuận xuất phát từ lý do PVN không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt. PVN tham gia góp vốn khi Oceanbank tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2008, bằng hình thức PVN góp 20% vốn điều lệ tương đương 400 tỷ đồng và các cổ đông là cán bộ công nhân viên của PVN đã tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt là 10% vốn điều lệ Oceanbank, đồng thời Oceanbank tiếp nhận số cổ đông này về làm việc và tiếp nhận cơ sở vật chất, thiết bị đã được Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt đầu tư, mua sắm.

Bị cáo Đinh La Thăng cũng cho rằng Tập đoàn đã thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả các nghị quyết của HĐQT đưa ra đều tuân thủ theo quy định pháp luật.

"Bất kể khoản đầu tư nào cũng được HĐTV PVN tính toán hiệu quả hay không. Và khoản đầu tư vào Oceanbank là rất hiệu quả. Cho đến năm 2013, Oceanbank hoạt động có lãi và đã chia cổ tức. Đây là ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp nên khi ngân hàng có nhu cầu tăng vốn điều lệ, là cơ hội để PVN góp vốn. Khi khả năng huy động vốn tăng lên, hoạt động của ngân hàng sẽ tốt hơn" - bị cáo Đinh La Thăng nói.

Được triệu tập đến toà với tư cách là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, bà Phan Thị Hoà, nguyên thành viên HĐQT/HĐTV PVN giai đoạn 2008-2010, cho biết thêm, HĐQT/HĐTV có đánh giá về hiệu quả của lần góp vốn thứ nhất trên cơ sở báo cáo của người đại diện phần vốn tại Oceanbank và báo cáo tài chính được kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập. Tất cả chỉ tiêu tài chính của Oceanbank theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đều bảo đảm, như nợ xấu dưới 3%; lợi nhuận được chia...

Ngoài ra, căn cứ vào cân đối vốn năm 2010-2011, do PVN không thiếu vốn nên đã "không có lý do gì để từ chối góp vốn lần hai", bà Hoà nói.

Với lần góp vốn thứ ba, do đang đi công tác nên bị cáo Đinh La Thăng đã ủy quyền điều hành cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng. Trong thời gian này, bị cáo Thắng thay mặt HĐTV ký ban hành Nghị quyết 4266 ngày 16-5-2011, phê duyệt chủ trương PVN góp bổ sung 100 tỷ đồng, nâng tổng số vốn góp của PVN lên 800 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng mình không hề biết đến nghị quyết này do sau khi đi công tác về, có nhiều việc phải làm, lại đang chuẩn bị chuyển vị trí công tác mới nên không đọc hết được các tài liệu. "Nếu biết, bị cáo đã chỉ đạo dừng góp vốn và không có chuyện một số bị cáo bị đưa ra xét xử hôm nay" - bị cáo Thăng nói.

Đối chất ngay sau đó, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng tiếp tục khẳng định, sau khi ký nghị quyết đã có báo cáo với Chủ tịch HĐTV Đinh La Thăng.

Hai người làm chứng là bà Thuỷ Tiên và Hà Châu, thư ký HĐTV PVN cũng cho biết, theo quy chế làm việc của HĐTV PVN, các thư ký sẽ chuyển cho Chủ tịch các nghị quyết đã ban hành trong thời gian ông Thăng đi công tác vắng.

Bảo Hân