Có đem lại lợi ích tích cực?

Thế giới - Ngày đăng : 06:34, 19/03/2018

(HNM) - Ngày 16-3, Anh, Pháp, Đức đã cùng ra Tuyên bố chung, đề xuất Liên minh Châu Âu (EU) ra lệnh trừng phạt mới với Iran do chương trình tên lửa của nước này, cũng như vai trò của Iran trong cuộc chiến tại Syria.

Iran khẳng định sẵn sàng đáp trả nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không từ bỏ các lệnh trừng phạt.


Trong đề xuất, ba nước EU cáo buộc Iran cung cấp tên lửa và chuyển giao công nghệ tên lửa cho Syria và các đồng minh của Tehran, điển hình là nhóm nổi dậy Houthi ở Yemen và nhóm Hezbollah ở Lebanon. Do đó, đề xuất đề cập tới việc trừng phạt Iran bằng các hình thức như: Cấm đi lại, phong tỏa tài sản, cấm làm ăn và giao dịch với EU. Bản đề xuất hiện đã được gửi tới 28 thành viên EU để thăm dò sự ủng hộ.

Theo các nhà phân tích, đề xuất này được xem là một phần trong chiến lược của EU nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) được ký giữa các bên năm 2015 bằng cách chứng minh cho Tổng thống Mỹ Donald Trump thấy vẫn có cách kiềm chế sức mạnh của Iran.

Theo JCPOA, Iran sẽ hạn chế các hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Tuy nhiên, vào năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, và trong tháng 1-2018 đã đưa ra thời hạn 120 ngày để các nghị sĩ Mỹ và các đồng minh Châu Âu tìm cách sửa đổi nội dung, hoặc Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận.

Ngày 12-5 tới (khi thời hạn trên kết thúc), Tổng thống Mỹ sẽ phải ban hành lệnh “tạm ngưng” trừng phạt Iran mới, hoặc những trừng phạt của Mỹ với Iran sẽ được khôi phục. Trong tình huống thứ hai, Mỹ coi như sẽ rút khỏi thỏa thuận, dẫn tới việc thỏa thuận sẽ sụp đổ nếu Iran từ chối đàm phán lại theo yêu cầu của Mỹ.

Trong bối cảnh ấy, việc Washington sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson và thay thế bằng Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (CIA) Mike Pompeo cũng được giới chuyên môn đánh giá là đã phủ bóng lên thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trước đề xuất mới, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Aqrachi cho rằng, EU không nên theo hướng đi của Mỹ về thỏa thuận hạt nhân. Việc ban hành lệnh trừng phạt Iran không liên quan vấn đề hạt nhân nhằm xoa dịu người đứng đầu Nhà Trắng là một tính toán sai lầm nghiêm trọng. Theo quan chức này, EU thay vì tạo sức ép với Tehran, nên thúc giục Mỹ thực hiện nghĩa vụ của mình trong JCPOA.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo nước này sẽ có hành động đáp trả nếu Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Ông nhấn mạnh, JCPOA bảo đảm quyền lợi của Iran trong việc nghiên cứu và phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Về phần mình, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề đối thoại với các nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran Brian Hook cho biết, Washington và 3 đồng minh EU đã thảo luận về yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan tới việc sửa đổi và bổ sung một số điều khoản trong JCPOA. Quan chức các nước ký thỏa thuận hạt nhân này với Iran cũng đã có cuộc họp thường kỳ tại Thủ đô Vienna (Áo), đồng thời phái đoàn của Mỹ cũng có cuộc gặp với quan chức đến từ Anh, Pháp, Đức.

Giới quan sát cho rằng, bước đi lần này của Anh, Pháp, Đức không chỉ vượt ngoài mong đợi của Mỹ, mà còn thể hiện thái độ thất vọng của EU với Iran sau hàng loạt cuộc đối thoại bất thành. Tuy nhiên, nó cũng chỉ ra rằng, những khúc mắc trên hoàn toàn có thể giải quyết thông qua đàm phán, thay vì những biện pháp trừng phạt, vốn không đem lại lợi ích tích cực nào.

Hoàng Linh