Vẫn lo thiếu nước mùa hè
Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 19/03/2018
Công nhân Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông kiểm tra hệ thống bể lọc nước sạch.Ảnh: Mạnh Hà |
Lo thiếu, lo cả chất lượng
Chị Trần Hương (Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy) chia sẻ, không chỉ nhà chị mà nhiều hộ gia đình khác ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính luôn thấp thỏm nỗi lo mất nước nếu không may tuyến đường ống nước sông Đà bị vỡ. “Chúng tôi cũng quen với sự cố này nhưng vẫn lo lắm, vì mất nước mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn. Chỉ mong nhà cung cấp sớm xây dựng tuyến ống số 2 để bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định” - chị Trần Hương bày tỏ.
Còn theo chị Mai Hoa (nhà D1, Khu tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình), việc cấp nước cho các hộ dân ở khu nhà chị lâu nay vẫn theo hình thức 2 ngày/lần. Vì vậy, các hộ dân ở khu tập thể 5 tầng này đều mua bể trữ nước đặt trên mái nhà. "Vào những ngày nắng nóng kéo dài, để an toàn, chúng tôi tranh thủ hứng nước thêm vào xô, chậu, đề phòng nguồn nước ít vẫn có để dùng" - chị Hoa cho biết.
Khác với chị Hoa và chị Hương, anh Phạm Khánh ở phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, dù khu vực nhà anh ở không thường xuyên mất nước nhưng chất lượng nước sạch là điều người dân luôn lo lắng. Chỉ tay vào chậu nước hơi ngả màu vàng, anh Khánh nói: Nếu để khoảng 1 tuần nước sẽ đóng cặn và có màu như vậy. Các hộ dân đều phải mua máy lọc nước phục vụ sinh hoạt gia đình. Nước chảy qua máy lọc thường chỉ thu được 40 - 50% nước sạch, còn lại là nước thải nên rất lãng phí. Chưa kể, lõi lọc cứ 3 - 6 tháng phải thay một lần nên bất tiện và tốn kém.
Cũng lo lắng về chất lượng nước sạch, anh Hưng Hải nhà ở Khu đô thị mới Mulberry Lane Hà Đông kể, dù khu đô thị cam kết cung cấp nước chất lượng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới nhưng thực tế khi dùng, nước có màu vàng, nhiều lúc đen ngòm... “Cả năm nay chúng tôi phản ánh và chủ đầu tư đã hứa làm việc với đơn vị cung cấp nước sạch là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, nhưng kết quả đến nay vẫn như vậy...” - anh Hưng Hải ngán ngẩm.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước
Công nhân lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước sạch tại xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Anh Tuấn |
Năm 2017, nhu cầu sử dụng nước của TP Hà Nội khoảng 1,35 triệu m3/ngày đêm, năm 2018 có thể lên tới 1,45 triệu m3/ngày đêm. Trong khi đó, nguồn cung nước từ 4 nhà máy lớn hiện khoảng 942.145m3/ngày đêm. Con số này đủ nói lên việc "hai ngày bơm nước một lần" sẽ còn phải duy trì ở nhiều khu vực.
Theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, do số lượng khách hàng đấu nối với hệ thống cấp nước đô thị tăng khoảng 6% so với năm 2017, vào cao điểm mùa hè 2018, nhu cầu dùng nước dự báo tăng 5 - 10% so với bình thường, nên một số khu vực cuối nguồn có cốt địa hình cao sẽ gặp khó khăn về nước.
Thêm nữa, đường ống nước sông Đà, truyền tải gần 220.000m3 nước sạch/ngày đêm, chiếm 23,27% tổng sản lượng nước cấp cho Hà Nội, vẫn đứng trước nguy cơ có thể vỡ bất cứ lúc nào. Nếu xảy ra sự cố, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là khu vực phía Tây Nam thành phố, gồm 100% khách hàng quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai (thuộc địa bàn quản lý của Công ty cổ phần Viwaco), 25 - 30% khách hàng thuộc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và một số khách hàng khu vực các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình thuộc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội.
Bởi thế, vấn đề bảo đảm đủ nguồn cung nước vẫn là yêu cầu số một cho mùa hè năm nay cũng như lâu dài. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý hạ tầng - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu những đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước. Cụ thể như, Dự án nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long lên 150.000m3/ngày đêm do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong tháng 5-2018, qua đó sẽ bổ sung nguồn cấp 75.000m3/ ngày đêm.
Dự án xây dựng Trạm cấp nước Dương Nội 30.000m3/ ngày đêm sử dụng nguồn nước ngầm, do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông thực hiện, hiện đã chạy thử và đang hiệu chỉnh, dự kiến đưa vào vận hành phục vụ cấp nước mùa hè 2018. Như vậy, việc bổ sung nguồn nước từ hai dự án này sẽ góp phần nâng công suất tối đa của hệ thống cho mùa hè năm 2018 lên khoảng 1,07 triệu m3/ngày đêm.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn II nâng công suất từ 300.000m3/ ngày đêm lên 600.000m3/ngày đêm, dự kiến trong tháng 7-2018 sẽ bổ sung nguồn cấp cho nội đô khoảng 80.000m3/ngày đêm. Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống cũng đang được nhà đầu tư gấp rút hoàn thiện các hạng mục công trình, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 150.000m3/ngày đêm trong tháng 10-2018.
Những nỗ lực "tăng cung" sẽ góp phần giảm bớt căng thẳng chênh lệch cung - cầu trong bài toán cấp nước sạch của Thủ đô năm nay.
Vào cao điểm mùa hè (nhất là ở các khu vực do Công ty cổ phần Viwaco quản lý, sử dụng nguồn nước sông Đà) sẽ thiếu khoảng 20.000 - 24.000m3/ngày đêm. Các khu vực như: Đại Kim, Định Công, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai); Khương Trung, Khương Đình, Khương Mai, Phương Liệt (quận Thanh Xuân); Khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì); khu vực đường Bưởi (quận Ba Đình); Thụy Khuê (quận Tây Hồ); Hàng Buồm, Trần Nhật Duật, Hàng Tre, Hàng Gai, Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm); Đê La Thành, đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2 (quận Đống Đa)... có thể bị thiếu nước. Hiện có 4 nguồn cấp nước sạch chính trên địa bàn Hà Nội là: Nguồn nước từ Nhà máy Nước mặt sông Đà (do Công ty cổ phần Nước sạch sông Đà quản lý và cung cấp cho 3 đơn vị phân phối); nguồn từ các nhà máy nước ngầm do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội quản lý; nguồn từ các trạm do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty cổ phần Nước sạch Sơn Tây khai thác. Cả 4 đơn vị này hiện có khoảng 1 triệu khách hàng, tương đương 1,3 triệu hộ gia đình (ước hơn 5,2 triệu người). |