Để nông sản Việt vươn xa
Kinh tế - Ngày đăng : 07:14, 19/03/2018
Vải thiều sau khi chiếu xạ được đưa vào phòng lạnh bảo quản trước khi xuất khẩu. Ảnh: Lê Hiếu |
Nhiều loại thuế xuất nhập khẩu về 0%
CPTPP với sự tham gia của 11 nước, trong đó có nhiều nước vốn là thị trường xuất khẩu tiềm năng như: Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico… TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng: Nhiều loại thuế xuất nhập khẩu sẽ về 0% - điều này sẽ tạo thuận lợi cho nhiều mặt hàng nông sản, như: Cao su, chế biến gỗ, cà phê, ca cao, điều, tiêu, gạo, rau quả tươi… thâm nhập thị trường nước ngoài. Đơn cử như thị trường Peru, một thị trường mới nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng cho nông sản Việt.
Theo những cam kết của CPTPP, những mặt hàng nông sản như: Hạt điều, nhãn, vải và thanh long… của Việt Nam sẽ được vào thị trường Peru với mức thuế nhập khẩu 0% thay vì 9% như hiện nay. Điều này cũng diễn ra tương tự với nhiều thị trường khác trong CPTPP...
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, rau quả, sản phẩm chế biến, đồ gỗ... sẽ là những mặt hàng được lợi nhiều nhất khi tham gia CPTPP. Theo đó, đồ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản là 0%, Australia là 5% và Canada là 9,5%. Đây là mức thuế tốt, giúp ngành gỗ mở rộng thị trường; trong đó, Nhật Bản là một trong những thị trường gỗ tiềm năng lớn, đang ưu tiên nhập khẩu đồ nội thất và các mặt hàng: Dăm gỗ, gỗ dán, gỗ mỹ nghệ từ Việt Nam.
Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định Trần Lê Huy nhấn mạnh: Nếu các doanh nghiệp Việt đa dạng được nguồn cung, đặc biệt là ở các dòng sản phẩm ưu tiên, thì sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu... Việt Nam đang đứng thứ 5 về xuất khẩu gỗ trên toàn thế giới, vì thế, ngành gỗ là một trong những ngành đặt nhiều kỳ vọng ở CPTPP. Nếu như các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ xử lý linh hoạt thì đây là cơ hội lớn cho ngành gỗ nâng cao giá trị trong những năm tiếp theo.
Nâng cao chất lượng, tổ chức lại sản xuất
Cùng với những cơ hội, nông sản Việt đang đối diện với nhiều thách thức. TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao, không những đề cập đến các lĩnh vực như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống, như: Lao động, môi trường, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước...
Bên cạnh đó, CPTPP đặt ra những tiêu chuẩn, yêu cầu rất cao về sự minh bạch đối với hàng hóa và đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất ràng buộc. Các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước sở tại.
Với những quy định như vậy, nông sản Việt không chỉ chịu sự cạnh tranh với các thị trường tham gia CPTPP mà còn chịu sự cạnh tranh ngay tại “sân nhà”. Do vậy, nếu không nâng cao chất lượng, tổ chức lại sản xuất, quản lý lao động và tuân thủ nghiêm nhiều quy định khác thì nông sản Việt rất khó đạt được những kỳ vọng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Trần Duy Khanh cho rằng, đối với các mặt hàng nông sản Việt, các sản phẩm chế biến như: Thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng… sẽ phải chịu cạnh tranh lớn nhất. Trước đây, nhiều sản phẩm gia cầm nước ngoài vào Việt Nam với giá rẻ hơn sản phẩm trong nước đã khiến ngành chăn nuôi lao đao. Nay, mức thuế sẽ giảm xuống 0%, tạo áp lực lớn cho ngành chăn nuôi trong nước. Trong khi đó, sản xuất chăn nuôi trong nước còn manh mún, nhỏ lẻ; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được nâng cao khiến sản phẩm khó có thể cạnh tranh về giá và chất lượng.
Thực tế, không chỉ riêng sân chơi CPTPP mà ở hầu hết các thị trường quốc tế, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cần nâng cao chất lượng, đặc biệt phải đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận chất lượng quốc tế. Ông Trần Văn Hậu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu (tại TP Hồ Chí Minh) - một đơn vị chuyên xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản... cho biết: Để tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu tại các thị trường CPTPP, công ty đã đầu tư thêm hàng tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất, nâng công suất hoạt động; công ty cũng đầu tư thêm vùng nguyên liệu để kiểm soát chất kháng sinh, vi sinh và truy xuất được nguồn gốc,...
Cùng với việc nâng cao chất lượng, đầu tư công nghệ chế biến - bảo quản, các doanh nghiệp nông sản cần xác định mặt hàng chiến lược, đặc trưng, chọn lựa, phân loại thị trường theo sản phẩm để có bước đi phù hợp với “sân chơi” chung trong bối cảnh hội nhập. Bởi, không chỉ nông sản Việt Nam mà hầu hết nông sản các nước tham gia CPTPP đều được hưởng ưu đãi về thuế, chính sách, thị trường,… như nhau. Hơn nữa, công nghệ sản xuất của các nước rất hiện đại, giá thành sản xuất thấp, tỷ lệ tổn thất không cao,… nên lợi nhuận cao. Những thách thức trên đang là “phép thử” cho sự tồn tại bền vững của nông sản Việt. Rất cần những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn từ nhiều phía...