Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nông sản an toàn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:32, 19/03/2018

(HNM) - Để nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn của các tỉnh, thành phố khi đưa về Thủ đô tiêu thụ, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra chất lượng nông sản.


Khó khăn từ sản xuất đến tiêu thụ

Theo Chi cục quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, để đẩy mạnh việc kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, mỗi năm, Sở NN&PTNT đã tổ chức cho các doanh nghiệp Hà Nội ký từ 40 đến 50 biên bản hợp tác với các tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng…

Giới thiệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia cung cấp thực phẩm trong Chương trình “Bữa ăn an toàn”, Chi cục trưởng Chi cục quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang nhận định: Hiện nay, lượng lớn các mặt hàng nông sản an toàn của các tỉnh đưa về Hà Nội được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị: Fivimart, Vinmart, Metro, Big C…

Tuy nhiên, việc đưa nông sản an toàn về Hà Nội vẫn còn vướng mắc, như một số địa phương (kết nối với Hà Nội) chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, gây khó khăn cho công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Đối với lĩnh vực rau an toàn, số lượng doanh nghiệp tham gia còn ít, nhiều cơ sở sản xuất của các địa phương chưa có tem nhãn nhận diện sản phẩm để truy xuất nguồn gốc…

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hải Phòng cho biết: Thời gian qua, Hải Phòng đã nỗ lực và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đưa nông sản an toàn về Hà Nội tiêu thụ với số lượng hàng nghìn tấn rau, quả, thủy sản… Tuy nhiên, số lượng các mặt hàng của Hải Phòng đưa về Thủ đô còn hạn chế do sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn mác nhận diện. Các cơ sở chế biến, rau, quả của thành phố còn ít, chủ yếu quy mô nhỏ, nguồn nguyên liệu không ổn định, nông dân chưa tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, thương hiệu... nên chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) Vũ Thị Hậu, hiện lượng lớn hàng nông sản, thực phẩm an toàn bán ở hệ thống siêu thị Fivimart được nhập trực tiếp từ doanh nghiệp, hợp tác xã của các tỉnh, thành phố. Song, do sản xuất nông nghiệp ở các địa phương này còn manh mún nên chưa giám sát chặt chẽ chất lượng đầu vào, đầu ra.

Thậm chí, do nguồn cung không ổn định nên đã gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua lượng sản phẩm theo yêu cầu. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố chưa quan tâm xây dựng thương hiệu nên một số mặt hàng dù chất lượng tốt, nhưng không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ...

Giám sát từ đồng ruộng

Việc kết nối, đưa nông sản an toàn từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Để phát huy hiệu quả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Hà Nội tiếp tục hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết hài hòa lợi ích giữa các khâu để chứng minh và truy xuất nguồn gốc; đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản.

Tuy nhiên, để các mặt hàng nông sản tiêu thụ trên thị trường bảo đảm chất lượng, các tỉnh, thành phố cần giám sát ngay từ đồng ruộng; yêu cầu người dân ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, Hà Nội và các địa phương cần rà soát hệ thống để đơn giản hóa, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn nông sản. Các tỉnh, thành phố tập trung quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương; kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, rõ ràng nguồn gốc khi cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Mặt khác, các tỉnh, thành phố phải chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, sản phẩm đặc sản, sản phẩm an toàn chủ lực của địa phương với Hà Nội; gắn chặt liên kết vùng để tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn sản xuất VietGAP, bền vững. Đặc biệt là tập trung xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm để doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng dễ dàng nhận diện khi chọn lựa sản phẩm an toàn trong sử dụng...

Quỳnh Dung