Tăng tương tác, tăng hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:48, 20/03/2018
Đó là những thay đổi có tính đột phá mà cử tri cả nước đều cảm nhận thấy trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV diễn ra hôm qua, ngày 19-3. Đổi mới để tăng tính tương tác giữa đại biểu Quốc hội với người trả lời chất vấn; đồng thời tiết kiệm thời gian, tránh báo cáo dài dòng, đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm. Sâu xa hơn, từ cách thức này cũng "sát hạch" khả năng nắm bắt công việc của mỗi "tư lệnh" trong quản lý, giải quyết công việc của mình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc thí điểm thực hiện cách thức "hỏi nhanh, đáp gọn" đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trong phiên họp này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc rất kỹ. Bởi đây không chỉ là hai “tư lệnh ngành” phụ trách lĩnh vực quan trọng của Chính phủ, mà còn được đánh giá là hai chuyên gia kinh nghiệm, am hiểu rất rõ lĩnh vực của mình để có thể sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào mà các đại biểu Quốc hội chất vấn.
Tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này còn được thể hiện qua việc lựa chọn nhóm vấn đề thể hiện tính chuyên nghiệp, tập trung để các đại biểu Quốc hội chất vấn. Đây là hai nhóm vấn đề “nóng” trong đời sống xã hội được lựa chọn trên cơ sở tổng hợp chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước và dư luận xã hội từ kỳ họp thứ 4 đến nay. Theo đó, nhóm vấn đề thứ nhất được lựa chọn để chất vấn là các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định bảo đảm chất lượng các đề án, dự án luật... Nhóm vấn đề thứ hai là hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học - công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Qua một ngày dõi theo phiên chất vấn theo phương thức đổi mới, cử tri cả nước không chỉ thấy được khả năng đặt vấn đề của các đại biểu Quốc hội (câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng và bảo đảm thời gian quy định), mà còn cảm nhận được bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, năng lực cũng như kinh nghiệm quản lý của hai vị "tư lệnh ngành" qua những câu trả lời. Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở từ cả phía người hỏi và trả lời, phiên chất vấn đã cho cử tri thấy trách nhiệm của các bộ trưởng về những tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực phụ trách để đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Việc rút ngắn thời gian nêu và trả lời câu hỏi chất vấn cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội, nhưng đây cũng là thách thức nếu không có sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt. Thế nhưng, nếu thực hiện thành công chúng ta sẽ tiết kiệm được thời gian, khắc phục được hạn chế và giúp hoạt động chất vấn ngày càng hiệu quả hơn, đánh giá sát thực hơn trách nhiệm trong quản lý của các thành viên Chính phủ.
Những điểm mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thời gian qua đã cho thấy bước chuyển từ Quốc hội thảo luận sang Quốc hội tranh luận; thể hiện tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử cao nhất. Đây cũng là tiền đề để Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.