VKS khẳng định PVN đánh giá đầu tư vào Oceanbank hiệu quả là không có căn cứ

Pháp đình - Ngày đăng : 12:54, 20/03/2018

(HNMO) - Sáng 20-3, bước sang ngày thứ hai phiên xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm, đại diện VKS đặt các câu hỏi với bị cáo Đinh La Thăng về trách nhiệm trên cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí (PVN)

Bị cáo Đinh La Thăng trả lời các câu hỏi của đại diện VKS.


Bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận mình phải chịu trách nhiệm về việc bảo toàn và phát triển vốn trên cương vị chủ tịch Tập đoàn. Và trong thời gian bị cáo làm Chủ tịch HĐQT, việc đầu tư vốn vào tất cả các dự án đều có hiệu quả.

"Ngày 1-10-2008, khi bị cáo ký ký Nghị quyết 7289/NQ-DKVN về việc tham gia góp vốn mua cổ phần Ngân hàng TMCP Đại Dương thì đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa?" - trả lời câu hỏi trên của đại diện VKS, bị cáo Đinh La Thăng đưa ra các thông tin khá lòng vòng. Bị cáo cho rằng không có quy định nào Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào nghị quyết của HĐQT PVN. Nghị quyết 7289 chưa cần phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ vì chưa phải là nghị quyết quyết định việc góp vốn. Đại diện VKS đã bác bỏ quan điểm này và cho rằng: "Đấy là nhận thức cá nhân của bị cáo".

Vẫn tiếp tục khẳng định việc PVN đầu tư vào Oceanbank là có hiệu quả và được chia cổ tức trong một vài năm sau đó, nhưng bị cáo Đinh La Thăng lại không biết đến kết luận thanh tra số 427 năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước với lý do đã... chuyển công tác.

Do đó, trong phần xét hỏi, đại diện VKS đã thông báo kết luận thanh tra này để bị cáo thấy thực trạng tài chính của Oceanbank cho đến ngày 31-3-2012 với vốn sở hữu hơn 3.000 tỷ giảm so với báo cáo tài chính hơn 1.000 tỷ, lỗ lũy kế gần 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận âm... Trên cơ sở này, đại diện viện VKS nhận định việc PVN đánh giá khoản đầu tư vào Oceanbank hiệu quả  là không có căn cứ.

Khả năng thu hồi 800 tỷ đồng được bị cáo Đinh La Thăng cho rằng trách nhiệm thuộc HĐTV PVN vì bị cáo đã chuyển công tác từ năm 2011.

"Nhận thức của bị cáo chỉ là nhận thức cá nhân, hành vi của bị cáo khi ký nghị quyết tham gia góp vốn lần 1 chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; khi bị cáo đồng ý và ủy quyền ký nghị quyết góp vốn lần 2 cũng chưa xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cũng như làm theo yêu cầu các bộ, ngành" - Đại diện VKS nêu và khẳng định không còn có câu hỏi với bị cáo Đinh La Thăng.

Sau phần xét hỏi với bị cáo Đinh La Thăng, kiểm sát viên đặt câu hỏi với ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN .

Ông Nguyễn Ngọc Sự nêu các lý do cho việc không kiểm tra hoạt động của Oceanbank 


Ông Nguyễn Ngọc Sự cho biết, Ban trù bị ngân hàng TMCP Hồng Việt đã báo cáo, trình cho ông là Phó tổng phụ trách tài chính. Ông Sự đã ký văn bản số 140B/CVNB-NNS gửi ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT PVN báo cáo kết quả đàm phán với Hà Văn Thắm kèm theo báo cáo đánh giá sơ bộ các chỉ tiêu tài chính của Oceanbank.

Cụ thể, nhóm đánh giá đã nêu rõ Oceanbank đang tìm cổ đông chiến lược, là ngân hàng quy mô nhỏ, thanh khoản thấp vì vốn điều lệ chỉ có 1.000 tỷ. Tuy vậy, Oceanbank được xếp hạng trung bình khá trong hệ thống các ngân hàng TMCP… trong năm 2007 và đầu 2008 hoạt động có lãi.

Kiểm sát viên đặt câu hỏi liên quan việc HĐQT của PVN có yêu cầu ông Sự kiểm tra tình hình hoạt động của ngân hàng này theo yêu cầu của Bộ Tài chính hay không. Ông Sự giải thích: Ngày 16-10-2008, PVN có văn bản số 7698/DKVN-TCKT gửi Ngân hàng TMCP Đại Dương để yêu cầu cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh, nhưng Ngân hàng TMCP Đại Dương không trả lời nên phía PVN không có số liệu để đánh giá

"Thực sự là ngân hàng này khi đó không có số liệu đánh giá tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm. HĐTV của PVN cũng đã ký nghị quyết góp vốn trước khi có yêu cầu của Bộ Tài chính. Từ đó, tôi không kiểm tra Oceanbank vì không có số liệu, đồng thời do thấy cũng không cần thiết nữa." - ông Sự giải thích.

Từ cuối buổi  sáng nay, các luật sư bắt đầu tham gia vào phần xét hỏi để làm rõ các tình tiết liên quan.

Bảo Hân