Từ nghị trường đến cuộc sống: Văn hóa xin lỗi

Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 20/03/2018

(HNM) - Đối với các hồ sơ quá hạn giải quyết, “lãnh đạo cơ quan có văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức, trong đó có nêu rõ lý do quá hạn và thời gian trả kết quả lần sau”.


Quy định là vậy, nhưng việc thực hiện như thế nào? Trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND thành phố mới đây về vấn đề này, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, năm 2017, tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tiếp nhận trên địa bàn thành phố là hơn 8 triệu; tỷ lệ quá hạn vẫn chiếm 2,67% (Sở Thông tin - Truyền thông 14 hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư 6.465 hồ sơ, Sở Công Thương 7 hồ sơ, Sở Xây dựng 111 hồ sơ, UBND quận Đống Đa 197 hồ sơ, UBND quận Hai Bà Trưng 48 hồ sơ, UBND huyện Mê Linh 123 hồ sơ, UBND huyện Ứng Hòa 10 hồ sơ...).

Với tỷ lệ hồ sơ quá hạn như vậy thì số lượng văn bản xin lỗi của các cơ quan, đơn vị phải tương đương. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể, Sở Nội vụ chỉ khẳng định “qua kiểm tra, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm quy định về việc lập văn bản xin lỗi đối với hồ sơ quá hạn”. Để khắc phục tình trạng hồ sơ quá hạn, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng giao tiếp, giải quyết công việc cho cán bộ “một cửa” gắn với tăng cường tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính.

Dù nguyên nhân chậm trả hồ sơ là khách quan hay chủ quan, thì việc có văn bản xin lỗi và công khai xin lỗi là hết sức cần thiết. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ mà lãnh đạo cơ quan phải thực thi và cần được lượng hóa bằng con số cụ thể, chứ không phải báo cáo chung chung.

Bảo Vy