Nhà lãnh đạo biết lắng nghe, giản dị, không quan cách
Chính trị - Ngày đăng : 06:43, 20/03/2018
Thủ tướng Phan Văn Khải gặp gỡ nhân dân xã An Sinh, huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) ngày 9-4-2000.Ảnh: Thế Thuần - TTXVN |
Trao đổi với Báo Hànộimới về những đóng góp của đồng chí Phan Văn Khải cho TP Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh nhớ lại: Vào cuối thập niên thứ 7, đầu thập niên thứ 8 của thế kỷ trước, TP Hồ Chí Minh phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thử thách. Đặc biệt, thành phố phải chạy ăn từng bữa cho 3,5 triệu người; nhà máy thì thiếu nguyên liệu, thiếu điện, sản xuất bị đình trệ... Khi đó đồng chí Phan Văn Khải với vai trò là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã cùng Thường trực Thành ủy đến các xí nghiệp, nhà máy, công trường để kêu gọi giai cấp công nhân, nhân dân lao động, cán bộ nhà nước phải "tự cứu lấy mình" với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" nhằm thoát khỏi sự trói buộc của cơ chế quản lý bao cấp, tìm giải pháp đột phá để đưa thành phố thoát khỏi khó khăn.
"Khi đồng chí ra Trung ương làm việc với vai trò là Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng Chính phủ, khi đó tôi cũng là đại biểu Quốc hội, tôi thấy đồng chí Phan Văn Khải là một nhà lãnh đạo biết lắng nghe, giản dị, không quan cách. Đồng chí đã xúc tiến những cuộc gặp gỡ giới doanh nhân, trí thức. Đồng chí cũng là người dám đứng ra trả lời chất vấn, tạo điều kiện để đổi mới, phát triển đất nước, thúc đẩy các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và định hướng mới về thương mại. Là người đứng đầu Chính phủ, đồng chí đã khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân, tạo nên sự phát triển cân đối của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính nhờ vậy, thời kỳ này bội chi nợ công không còn là vấn đề lớn. Đồng chí đã để lại nền tảng tốt, tạo nên nền nếp làm việc của Chính phủ, tạo tiền lệ mỗi tháng Chính phủ họp một lần", đồng chí Phạm Phương Thảo chia sẻ.
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, một trong những nội dung quan trọng của Hiến pháp 1992 là tập trung đổi mới về mặt kinh tế. Điều này có công rất lớn của đồng chí Phan Văn Khải. Đồng chí là người nêu ý tưởng cho Đảng về thể chế kinh tế trong thời kỳ đổi mới, để từ đó Đảng ta thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - nền tảng để ra đời Hiến pháp 1992. "Đồng chí Phan Văn Khải là một trong những người "khai mở" tư tưởng đột phá trong Hiến pháp 1992, đó là việc "người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm". Đây cũng chính là "linh hồn" của Hiến pháp 2013", luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.
Trong khi đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, những quyết sách của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong thời kỳ đương nhiệm không có tình trạng đưa ra bị phản ứng hoặc bị thu hồi. Bởi theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã kiên quyết duy trì một thời gian dài ban tư vấn gồm đội ngũ nhiều chuyên gia và trí thức hàng đầu của đất nước. Khi đó, mọi chủ trương, chính sách mới đồng chí đều đưa qua ban tư vấn để có ý kiến trước, căn cứ từ đó điều chỉnh.
Nói về cuộc sống đời thường sau khi đồng chí Phan Văn Khải nghỉ hưu, đồng chí Phạm Phương Thảo cho rằng, mọi tầng lớp nhân dân TP Hồ Chí Minh, đặc biệt thế hệ trẻ thấy đồng chí là một chính trị gia rất gần gũi, đáng quý, khiêm nhường. Dù ít tham gia các hoạt động chính trị - xã hội sau khi nghỉ hưu, nhưng đồng chí thường xuyên dặn dò các cấp lãnh đạo TP Hồ Chí Minh không được quan liêu, cửa quyền, không quan cách, xa rời dân. Là người con Củ Chi - đất thép thành đồng - đồng chí đã gợi ý được nhiều cách làm hay, thiết thực. Trong đó, nổi bật nhất là nhờ có gợi ý của đồng chí mà địa phương dám vay tiền của Nhà nước, còn người dân dám hiến đất làm đường.
Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Củ Chi đã nhựa hóa hàng nghìn con đường. Dự án đường bộ cao tốc đầu tiên của miền Nam là tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương do đồng chí quyết định chủ trương đầu tư. Có thể nói, nhắc đến những công trình giao thông lớn nhỏ, nhân dân Củ Chi nói riêng và nhân dân TP Hồ Chí Minh luôn nhớ đến đồng chí Phan Văn Khải.
Khi hay tin nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải từ trần, luật sư Trương Trọng Nghĩa chia sẻ: "Tôi nghĩ ông vẫn sống mãi trong lòng cán bộ, nhân dân và đội ngũ công chức mà ông từng lãnh đạo". Có thể nói, đây cũng chính là suy nghĩ của nhân dân Việt Nam!