"Đồng chí Phan Văn Khải để lại dấu ấn rất lớn tại TP Hồ Chí Minh"

Chính trị - Ngày đăng : 21:14, 21/03/2018

(HNMO) - Trước linh cữu của đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nhân sĩ, trí thức TP Hồ Chí Minh đã rất xúc động khi nói đến những công lao, đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự phát triển của thành phố.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới tại lễ viếng đồng chí Phan Văn Khải trước Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) ngày 21-3, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhớ lại: "Trong giai đoạn đồng chí Phan Văn Khải làm Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đồng chí đã thành lập Ban Phân vùng Nam Bộ (tiền thân của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh hiện nay), đồng thời kiêm nhiệm Trưởng ban của Ban này. Đồng chí có công rất lớn trong quy hoạch phát triển TP Hồ Chí Minh theo hướng liên kết vùng, liên kết với các tỉnh thành trong khu vực. Khi ra Trung ương làm việc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải vẫn theo dõi sát sao hoạt động của đơn vị này. Kể cả khi nghỉ hưu, đồng chí vẫn âm thầm động viên anh em, nhà khoa học làm công tác nghiên cứu để giúp TP Hồ Chí Minh phát triển".

Nhân dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành viếng đồng chí Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất.


PGS.TS Nguyễn Văn Trình còn cho biết, đồng chí Phan Văn Khải cũng có công rất lớn trong việc ra đời Luật Doanh nghiệp năm 1999, "cởi trói" cho kinh tế tư nhân, tạo ra sự bình đẳng của doanh nghiệp, của các thành phần kinh tế trong quá trình vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Bộ luật này cũng đã làm thay đổi phương thức quản lý của cơ quan nhà nước đối với thành phần doanh nghiệp tư nhân.

Có chi tiết khiến PGS.TS Nguyễn Văn Trình không thể nào quên đó là vào năm 1985, để thực thi kế hoạch kinh tế có sự quản lý về giá - lương - tiền, Trung ương quyết định đổi tiền lần thứ ba. Lúc đó, trên cương vị là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Văn Khải đã xuống tận các chợ để quan sát, hỏi thăm tiểu thương và người dân về biến động giá cả như thế nào sau khi đổi tiền. "Có thể thấy, đồng chí Phan Văn Khải hết mực chăm lo đời sống nhân dân, bình dị, gần dân", PGS.TS Nguyễn Văn Trình chia sẻ.

Chia sẻ với Báo Hànộimới, PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 1976, đồng chí Phan Văn Khải về làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố. Trong gần 14 năm trực tiếp công tác tại thành phố (từ năm 1976 đến năm 1989), đồng chí Phan Văn Khải đã xây dựng và thực hiện "Kế hoạch phát triển TP Hồ Chí Minh".

Đồng chí cũng chính là người khởi xướng phong trào xóa đói giảm nghèo tại TP Hồ Chí Minh, sau này lan rộng ra cả nước. Theo PGS.TS Phan Xuân Biên, từ thực tiễn 14 năm công tác tại TP Hồ Chí Minh cũng chính là hành trang cho đồng chí Phan Văn Khải ra Trung ương đảm nhiệm vai trò Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo PGS.TS Phan Xuân Biên, khi ra Trung ương công tác, đồng chí Phan Văn Khải vẫn tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, đồng chí đã xác định đúng vai trò, vị trí đầu tàu kinh tế của TP Hồ Chí Minh. "Có thể nói, đồng chí Phan Văn Khải để lại dấu ấn rất lớn tại thành phố này", PGS.TS Phan Xuân Biên nhấn mạnh.

Nguyễn Lê