Giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

Đời sống - Ngày đăng : 21:45, 22/03/2018

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10-3-2018 quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.

Ảnh minh hoạ


Các nguyên tắc thực hiện việc giám sát, giáo dục


Theo Nghị định, việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự phải đảm bảo nguyên tắc sau: 1- Bảo đảm mục tiêu phục hồi cho người được giám sát, giáo dục; nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho người được giám sát, giáo dục; phòng ngừa tái phạm; 2- Tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát, giáo dục; nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát, giáo dục; 3- Bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, độ tuổi, giới tính, nhu cầu cá nhân và vì lợi ích tốt nhất của người được giám sát, giáo dục; 4- Tôn trọng và bảo vệ bí mật cá nhân của người được giám sát, giáo dục; 5- Bảo đảm sự tham gia của gia đình, nhà trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục.

Thời hạn giám sát, giáo dục được tính từ ngày người được giám sát, giáo dục có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để nghe thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

Nghị định quy định Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục. Căn cứ vào tình hình vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, năng lực cán bộ và các điều kiện khác ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định danh sách người trực tiếp giám sát, giáo dục gồm từ 3 đến 5 người được lựa chọn trong số các cá nhân quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cho người trực tiếp giám sát, giáo dục hoặc cử người trực tiếp giám sát, giáo dục tham gia các chương trình tập huấn thích hợp do cấp huyện hoặc cấp tỉnh tổ chức để thực hiện nhiệm vụ.

Công an xã, phường, thị trấn (Công an cấp xã) làm nhiệm vụ đầu mối, tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục tại địa phương.

Cán bộ, chiến sỹ công an, công an viên, công chức văn hóa - xã hội, công chức tư pháp - hộ tịch, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên công tác xã hội cấp xã, đại diện Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên hoặc người có uy tín trong cộng đồng dân cư có đạo đức tốt, có điều kiện, khả năng và kinh nghiệm trong việc giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật trực tiếp thực hiện việc giám sát, giáo dục theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Nhà trường, gia đình và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ thực hiện việc giám sát, giáo dục.

Nội dung và hình thức giám sát, giáo dục

Nội dung giám sát, giáo dục gồm: Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật; trang bị các kỹ năng sống cơ bản; hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, học nghề, tìm việc làm; tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tham gia lao động tại cộng đồng với hình thức phù hợp; các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác quy định tại Điều 71 Luật trẻ em nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

Hình thức giám sát, giáo dục gồm: Yêu cầu người được giám sát, giáo dục làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giám sát, giáo dục; hướng dẫn, động viên người được giám sát, giáo dục tham gia các lớp học về kỹ năng sống, học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề; thông báo cho gia đình người được giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành của người đó và yêu cầu người được giám sát, giáo dục trình diện trước cơ quan có thẩm quyền.

Theo VGP