Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017
Kinh tế - Ngày đăng : 15:08, 22/03/2018
Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2017 sáng ngày 22-3.
Quảng Ninh dẫn đầu PCI 2017
Theo PCI 2017, Quảng Ninh là một trong những địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2017 với 70,7 điểm, đây là địa phương liên tục thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước kể từ năm 2013. Trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã tập trung cải cách hành chính qua việc vận hành mô hình Trung tâm Hành chính công cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua việc Quảng Ninh đứng đầu chỉ số thành phần gia nhập thị trường trong PCI 2017, với chỉ 6% doanh nghiệp (DN) phải chờ đợi trên 1 tháng cho việc có đủ các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động và trên 80% DN đánh giá thủ tục niêm yết công khai, cán bộ am hiểu chuyên môn, hướng dẫn rõ ràng, có thái độ thân thiện trong giải quyết đăng ký mới hay thay đổi thủ tục đăng ký DN.
Cùng với đó, Quảng Ninh áp dụng khá hiệu quả công cụ giám sát từ bên ngoài để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và chất lượng chỉ đạo, điều hành.
Bảng chỉ số PCI |
Đứng thứ 2 là Đà Nẵng (70,1 điểm), các DN tiếp tục đánh giá tương đối tích cực về giải quyết thủ tục hành chính tại tỉnh này. Tuy nhiên, mức độ cải thiện trung bình của thành phố này từ năm 2006 đến 2017 được đo lường qua bộ chỉ số PCI lại nằm trong nhóm cuối trên cả nước. Trong hệ thống chỉ số thành phần của Đà Nẵng năm 2017 chỉ số Môi trường cạnh tranh bình đăng có điểm số thấp nhất, qua các năm, điểm chỉ số thành phần này của Đà Nẵng có xu hướng sụt giảm.
Năm nay, Đồng Tháp (68,8 điểm) tiếp tục giữ vị trí thứ 3 ở bảng xếp hạng, với kết quả này, Đồng Tháp lập kỷ lục 10 năm liên tiếp nằm trong TOP 5 bảng xếp hạng PCI. Long An (66,7 điểm) trở lại TOP 5 bảng xếp hạng PCI cả nước sau lần đầu tiên vào năm 2011 và Bến Tre (66,7 điểm) lần đầu tiên tỉnh này bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu PCI với những cải thiện rõ rệt trong các chỉ số thành phần tính năng động tiên phong của chính quyền và dịch vụ hỗ trợ DN.
Năm địa phương tiếp theo trong 10 tỉnh thành phố đứng đầu PCI năm 2017 là Vĩnh Long, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ. Đáng chú ý, lần đầu tiên Hải Phòng lọt vào TOP 10 PCI cả nước và dẫn đầu chỉ số thành phần đào tạo lao động. TP Hà Nội xếp thứ 13 trên bảng xếp hạng.
Chi phí không chính thức vẫn cao song đã giảm
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng môi trường kinh doanh theo PCI vẫn còn những điểm tối mà chúng ta chưa thể hài lòng: Tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho DN chưa tốt, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu... Đặc biệt, năm 2017, trung bình vẫn trên 59% DN cho biết vẫn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước.
Theo báo cáo PCI 2017, mặc dù có biến động theo thời gian nhưng cảm nhận chung của các DN về tình trạng chi phí không chính thức nói chung vẫn ở mức cao. Khoảng một nửa cho đến 2/3 DN trả lời điều tra cho rằng tình trạng chi trả chi phí không chính thức là phổ biến; 7 – 12% cho biết có chi trả một số tiền lớn cho khoản này và trên một nửa số DN tin rằng chi trả “hoa hồng” là cần thiết để đảm bảo trúng trong các cuộc đấu thầu với cơ quan nhà nước.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam phát biểu tại lễ công bố PCI 2017. |
Tuy nhiên, cũng có tín hiệu tích cực. Kết quả điều tra PCI 2017 cho thấy có sự cải thiện ở cả ba chỉ tiêu. Mặc dù chi phí không chính thức chưa thực sự giảm mạnh nhưng cho thấy những nỗ lực chống tham nhũng vừa qua là đúng hướng. Điều quan trọng là điều tra PCI – FDI với DN có vốn đầu tư nước ngoài và điều tra PAPI đối với người dân cũng phản ánh xu hướng tương tự.
Các chỉ tiêu phản ánh về chi phí không chính thức trong những điều tra này đều ghi nhận xu hướng giảm như chỉ tiêu về DN cùng ngành có chi trả chi phí không chính thức năm 2017 là 59,3% so với 2016 là 66%; Quy mô khoản chi chi phí không chính thức trong tổng doanh thu (trên 10%) năm 2017 là 9,8% so với 2015 là 11%; Chi trả chi phí không chính thức trong đấu thầu mua sắm công năm 2017 là 54,9% so với 2016 là 58,8%.