Bài cuối: Đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Chính trị - Ngày đăng : 07:30, 22/03/2018

(HNM) - Đảng bộ TP Hà Nội đã và đang triển khai hàng loạt biện pháp mới với quyết tâm “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cầu thị, đề cao tính thực chất

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật. Nhưng khi nhìn nhận, đánh giá tình hình và kết quả, lãnh đạo cấp ủy các cấp thành phố vẫn luôn thể hiện thái độ cầu thị, tập trung làm rõ những mặt hạn chế, khó khăn. TP Hà Nội xác định chủ đề công tác năm 2018 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” cũng với tinh thần như vậy.

Một lớp đào tạo cán bộ nguồn cho TP Hà Nội tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.
Ảnh: Viết Thành


Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, sự việc mất an ninh trật tự tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) là bài học để các cấp, các ngành rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Công tác quản lý, giám sát đảng viên có nơi cũng chưa chặt chẽ, chưa kịp thời ngăn chặn những vi phạm; vẫn còn một số cán bộ, công chức hạn chế về năng lực, kỹ năng, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ…

Rút kinh nghiệm từ vụ việc tại xã Đồng Tâm, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, nhưng quyết tâm giải quyết xong con số 200 vụ việc phức tạp ở xã, phường, thị trấn ngay trong năm 2017 chưa hoàn thành, vẫn còn hơn 100 vụ việc. Số tổ chức cơ sở Đảng có khó khăn được củng cố cũng mới dừng ở con số dưới 50%.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, các ngành phải xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp còn lại trong năm 2018. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. "Giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội vừa là nhiệm vụ, giải pháp, vừa là thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở" - đồng chí Bí thư Thành ủy nêu rõ.

Thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ thời gian tới tại Hà Nội, mấu chốt chính là hoàn thành các nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đề ra trong Nghị quyết 15-NQ/TU. Đặc biệt, các cấp ủy cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo; tập trung hướng về cơ sở; làm tốt công tác dự báo và giải quyết kịp thời những vi phạm, tiêu cực.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải quan tâm tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân, để điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Cấp ủy cấp trên cơ sở phải có kế hoạch kịp thời củng cố những tổ chức cơ sở Đảng yếu kém; khắc phục ngay biểu hiện hình thức trong đánh giá chất lượng tổ chức Đảng, đánh giá cán bộ.

Đối với những địa bàn đã phát sinh phức tạp, nếu có nguyên nhân cán bộ yếu kém về bản lĩnh chính trị, năng lực công tác và phẩm chất, đạo đức thì phải kiên quyết xử lý, thay thế. Những địa bàn đặc biệt phức tạp cần quan tâm có giải pháp tập trung, khi cần thiết thì có phương án đặc thù về cán bộ ở những địa bàn này.

Kỳ vọng những bước đi mới

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Song song với các giải pháp nhằm củng cố tổ chức cơ sở Đảng, Thành ủy Hà Nội đề ra các giải pháp đồng bộ với quyết tâm “tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức”. Riêng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Thành ủy Hà Nội xác định ba nhóm nhiệm vụ.

Trong đó, lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo tập trung đổi mới cơ chế, chính sách quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là về xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ: "Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải hướng tới mục tiêu là tạo được sự thay đổi về chất trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp; khắc phục bằng được tình trạng “đánh trống ghi tên”.

Thực hiện nội dung chỉ đạo nêu trên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, thời gian tới thành phố sẽ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, theo nhu cầu và có địa chỉ, tập trung vào kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã triển khai Đề án “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý”.

Trong khi đó, UBND thành phố ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020”. Tất cả đều bao hàm những nội dung có tính đổi mới, thực chất.

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương triển khai các giải pháp đổi mới công tác đánh giá cán bộ, đảng viên theo hướng rút ngắn kỳ hạn và tăng cường tính dân chủ, công khai, minh bạch. Trước mắt, Thành ủy chỉ đạo nhân rộng mô hình đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của quận Long Biên trên địa bàn thành phố, nhất là mô hình đánh giá cán bộ hằng tháng, đào tạo cán bộ theo vị trí việc làm, có sát hạch, kiểm tra thường xuyên.

Kinh nghiệm 10 năm qua cộng với quyết tâm đổi mới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI là cơ sở để khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 22-NQ/TƯ về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” đạt những kết quả mới, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ.

Hiền Lương